!important; Đình Quán Tình là tên gọi theo địa danh hành chính thuộc thôn Quán Tình, xã Giang Biên. Nay đình thuộc tổ 5, phường Giang Biên. Ngôi đình nằm ngay sát chân đê, tả ngạn sông Đuống. Đợt vỡ đê Cống Thôn năm 1971, ngôi đình bị sạt lở, sau đó đê sông Đuống được kè đắp lại. Do nắn dòng đê để đảm bảo việc chống lụt nên thân đê sông Đuống đắp cả vào khu Hậu cung của đình.
Từ đầu cầu Đường đi dọc theo đê xuôi về cầu Phù Đổng khoảng 2km là đến di tích đình Quán Tình. Đình thờ vị Thần Nguyễn Nộn – một danh tướng dưới thời nhà Lý. Sau khi nhà Trần thay nhà Lý, ông quy phục triều Trần, giúp nhà Trần dẹp yên loạn lạc trong buổi đầu dựng nghiệp. Một trong những danh tướng được ông thu phục phải kể đến là Đông hải Đại vương Đoàn Thượng. Trong Thần tích tại đình Đỗ Xá, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm có ghi: “Nay Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn đều là 2 mãnh hổ trấn giữ 2 phương đông, bắc. Cơ đồ nhà Trần thì mới, do vậy lòng người chưa phục, không thể dùng võ mà thu phục. Bèn đưa ra mưu kế để hai con hổ đánh nhau sẽ tạo ra thế mất cân bằng, nhân thời cơ đó mà đánh thì tất thành công và thiên hạ tất thống nhất. Đây có thể nói là kế “điệu Hổ câu Long”. Trần Thái Tông bèn chiêu mời Nộn về Kinh. Nộn thu phục được Thượng Công tất là thu phục được ba phần thiên hạ”.
Theo dân gian kể rằng, Nguyễn Nộn là người đầu tiên được người Trung Quốc, có ý kiến nói là người Chăm, dạy cho đánh trận trên lưng ngựa.
Do nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương, năm 2004 đình Quán Tình được tu sửa lại khang trang. Toàn bộ khu đình được dựng ra phía trước ngôi đình cũ. Tổng thể đợt tu bổ xây dựng hiện nay bao gồm toà Đại đình với kết cấu hình chữ đinh, gồm Tiền bái và Hậu cung, hai bên có Tả vu và Hữu vu, phía trước là Nghi môn. Nhìn chung, đình được tu bổ lại theo lối kiến trúc cổ truyền. Mái đình lợp ngói ta, hệ thống kiến trúc được làm bằng gỗ tứ thiết và có trang trí những đề tài tứ linh, tứ quý Rồng và Phượng.
Toà Tiền tế được dựng kiểu thượng giá chiêng trụ trốn gồm 5 gian 2 chái, còn ván mê, rồi tới bẩy hiên. Các góc mái được tạo đao cong và có biểu tượng đầu Rồng và Phượng. Trên bờ dải có trang trí con sô/náp. Bờ nóc có trang trí Hổ phù đội mặt trời, miệng ngậm mặt trăng. Hai đầu kìm dạng đầu Thuỷ quái kiểu Rồng biểu trưng cho sự đối đãi âm dương, cầu mong sinh sôi phát triển.
Hai dãy Tả, Hữu vu đều được dựng 5 gian theo kiểu tường hồi bít đốc, dùng làm nơi chuẩn bị sự thần trong những dịp lễ hội. Nơi đây còn lưu giữ nhiều bia đá cố.
Không rõ đình Quán Tình xưa kia được xây dựng từ bao giờ, hiện nay chưa có tư kiệu nào nói đến. Qua văn bia cho biết rằng vào khoảng thế kỷ XVIII, đình vẫn còn tồn tại Trong thời điểm này, một số người cúng vào đình đất ruộng để chi phí cúng tế hàng năm. Văn bia hậu thần tại đình lập năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779) có ghi: “Thiếu khanh Nguyễn Vũ Tuấn người làng ta cùng với bè bạn thuận thể lòng dân có công đức hơn 7 mẫu ruộng cúng vào đình để làm chi phí thờ cúng”.
Trong tấm bia tạc năm Gia Long thứ 10 (1811) có ghi: “Đấng Tôn ông ở ấp ta là bậc hiền hầu, đức có đủ để mọi người mong nhớ, uy có thể dẹp tan bạo nghịch, tiếng danh lẫy lừng, đủ để dân tin cho mãi đời sau, linh ứng đã lâu, người người ngưỡng mộ. Chiểu theo đó hội đồng suy tôn là hậu thần. Tiếp đó suy tôn con trai trưởng cựu Hương cống tri huyện huyện Quế Dương là Vũ Đình Đại, chọn đất tốt để xây miếu thờ cúng”. Trong khoảng thời gian này, di tích được gia đình họ Dương công đức lớn cho tu bổ. Cũng tấm bia này còn cho biết việc qua lại hai bên bờ sông bằng thuyền bè. Văn bia có ghi”… Lại còn bớt 2 cây gỗ cứng, mỗi cây dài 10 thước làm thuyền đế giao thông qua lại hai bên bờ”.
Hiện nay, ngoài 2 tấm bia đá cổ, đình Quán Tình còn lưu giữ được một số hoành phi, câu đối ca ngợi công lao của vị Thần hàng năm vào ngày 8 tháng 2 âm lịch là ngày mở lễ hội đình Quán Tình. Đến ngày hội, người con xa quê hương thường trở về. Ngoài các nghi lễ cúng tế, hội làng Quán Tình còn tổ chức các trò dân gian, như chọi gà, đánh đu và đặc biệt hơn cả là tổ chức hát chèo với những làn điệu mượt mà, đằm thắm của vùng quê thuần hậu và chất phác này.