TRƯỜNG THCS LONG BIÊN
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 1/2021
- Thời gian: Ngày 18 / 1 /2021
- Nội dung giới thiệu: Cuốn sách “ BÁC HỒ TẤM GƯƠNG SÁNG MÃI: LIÊM CHÍNH”
- Hình thức giới thiệu: Trong thư viện
- Đối tượng: Toàn thể học sinh trong thư viện.
- Mục đích giới thiệu: Cuốn sách “ Bác Hồ tấm gương sáng mãi- Liêm chính” sẽ giới thiệu đến bạn đọc những câu chuyện kể về sự liêm chính của Bác cũng như cách Bác dạy cán bộ, đảng viên về sự liêm chính.
- Người giời thiệu: Lớp 7A7
- Người viết nội dung: Cán bộ Thư viện: Nguyễn Thị Thanh
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Suốt cả cuộc đời mình, Người luôn vì dân, vì nước, đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong kho tàng tri thức quý giá mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, điều có giá trị lớn nhất chính là tư tưởng của Người. Một trong những tư tưởng quan trọng và có ý nghĩa thực tiễn đối với nước ta hiện nay là tư tưởng của Người về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Liêm chính là đức tính cần có ở mỗi người và cũng là phẩm chất của người cán bộ khi thi hành công vụ. Nếu như cần và kiệm là các phẩm chất cần có trong đời sống, công tác của mỗi người lao động; thì liêm và chính là những phẩm chất cần có của người cán bộ khi thi hành công vụ. Liêm nghĩa là “ trong sạch, không tham lam”, nói rông hơn là chung với Tổ quốc, hiếu với nhân dân. Chính nghĩa là “không tà, thẳng thắn, đứng đắn”. Hành động bất liêm, bất chính đều có hại với dân, với nước phải dùng pháp luật để trừng trị, dù đó là người nào, giữ cương vị gì, làm nghề gì.
Thư viện xin giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách “Bác Hồ : Tấm gương sáng mãi - Liêm chính” do Nguyễn Thị Duyên biên soạn, Nxb. Thanh Niên ấn hành năm 2020 sẽ giới thiệu đến các bạn những câu chuyện kể về sự liêm chính của Bác cũng như cách Bác dạy cán bộ, Đảng viên về sự liêm chính.
Với độ dày 77 trang, khổ sách 24 cm, cuốn sách gồm 36 câu chuyện nhỏ: “Dù tá hay tướng đều phải lo phục vụ nhân dân”, “Còn dân còn nước”, “Đã nhận biết sai lầm phải ra sức sửa chữa”, “Lời dặn dò tâm huyết của đồng chí già”, “Phong cách Bác Hồ đến cơ sở”, “Việc gì làm được hãy tự làm lấy”, “Phê phán căn bệnh hình thức chủ nghĩa, Bác muốn biết sự thật kia..”… Qua những câu chuyện Bác chỉ ra cho chúng ta thấy rằng các cán bộ, Đảng viên muốn được quần chúng yêu mến phải là những người có tư cách đạo đức: “Muốn hướng dẫn nhân dân mình phải làm việc trước cho người ta bắt chước”. Người cán bộ, Đảng viên cho dù ở bất cứ cương vị gì, ngành nghề nào cũng cần phải giữ gìn sự liêm chính của mình. Luận điểm này thể hiện rõ một phương châm xây dựng đạo đức chính là nêu gương. Không gì thiết thực, có sức cảm hóa và lôi cuốn người khác bằng việc nêu gương tốt.
Thông qua các câu chuyện kể, chúng ta càng thấy rõ tấm lòng của Bác đối với đồng bào, đồng chí. Cho dù làm bất cứ việc gì, Bác cũng đặt lợi ích của nhân dân lên trên cả. Dù ở thời đại nào, mỗi bài học rút ra từ những mẩu chuyện của Bác vẫn giữ nguyên giá trị văn hóa, tính giáo dục và tính nhân văn cao cả.
Mời bạn đọc đến thư viện tìm đọc cuốn sách tại thư viện nhé. Xin trân trọng cảm ơn!