TRƯỜNG THCS LONG BIÊN
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 3/ 2018
1. Thời gian: Ngày 12 /3 /2017
2. Nội dung giới thiệu
Cuốn sách “ Đội thiếu niên du kích Đình Bảng”.
3. Hình thức giới thiệu
Trước học sinh toàn trường vào giờ chào cờ đầu tuần
4. Đối tượng
Toàn thể giáo viên và các em học sinh trong trường
5. Mục đích giới thiệu:
Cuốn sách sẽ đưa người đọc trở về với không khí chống giặc giải phóng quê hương đất nước. Tên tuổi của các đội viên cùng với hành động cách mạng kiên cường một lần nữa tô đậm nét son trong truyền thống vẻ vang của Đội. Từ đó, sẽ thắp lên tình yêu quê hương đất nước, đem đến những tình cảm ấm áp trìu mến cùng những tình cảm của cuộc sống.
6. Người giới thiệu: Lớp 8D
7. Người viết nội dung
Cán bộ thư viện: Trần Thị Giang
THƯ VIỆN TRƯỜNG THCS LONG BIÊN
BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 3/2018
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Phát huy truyền thống đánh giặc của các thế hệ cha anh, lớp lớp thiếu niên năm xưa đã vâng lời Bác Hồ dạy “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ…”. Không chỉ hăng hái thi đua học tập, lao động và rèn luyện, đội thiếu niên còn không ngại hy sinh gian khổ cùng cha anh đánh giặc giữ làng. Trong số những thiếu niên dũng cảm ấy, có những thiếu niên ở quê hương Đình Bảng. Nhà văn Xuân Sách đã dựa trên những con người có thật, sự việc có thật để mô tả một cách hấp dẫn, ly kỳ trong tác phẩm “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng”. Ngoài ra, tác giả còn viết nhiều truyện hay về tuổi thiếu niên và có nhiều tác phẩm được bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích.
“Đội thiếu niên du kích Đình Bảng” là truyện dài của nhà văn Xuân Sách, xuất bản lần đầu năm 1964. Nhà xuất bản Kim Đồng cho tái bản lần thứ 12 và cho ra mắt vào tháng 3/2016, cuốn sách dày 300 trang, khổ 12 cm x 19 cm. Từ khi ra đời đến nay, cuốn sách đã làm say mê nhiều thế hệ người đọc, đặc biệt là thiếu niên nhi đồng.
Cuốn sách “ Đội thiếu niên du kích Đình Bảng” là câu chuyện kể về vùng ngoại vi Hà Nội xưa (Đình Bảng) trong những năm giặc Pháp chiếm đóng tại mảnh đất này. Khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, Đình Bảng trở thành một địa chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam. Năm 1949, giặc Pháp chiếm đóng Đình Bảng. Để bảo toàn lực lượng, du kích ta tạm rút khỏi làng. Ngày 7/11/1949, Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng được thành lập với nhiệm vụ bí mật theo dõi tình hình địch, làm giao liên, lấy vũ khí của địch để cung cấp cho du kích, giải cứu cán bộ của ta bị địch bắt và vận động lính quân đội Sài Gòn trở về…
Tác giả cuốn sách từng chia sẻ rằng: “Sự thú vị là khi các bạn đến Đình Bảng đều có những tình cảm xúc động và thường đặt ra hàng loạt câu hỏi có phần ngạc nhiên: Hoan là ai? Thư đâu? Nơi nào là chỗ Húc bị bắn? Đâu lăng Lòng Chảo, mộ Lý bát đế?...Có thực như trong truyện hay không?”
Với lối viết chân thực và giàu cảm xúc, tác giả đã đưa người đọc trở về với không khí chống giặc giải phóng quê hương đất nước của dân tộc nói chung và của quê hương Đình Bảng nói riêng. Trong đó, có những gương mặt quả cảm của các đội viên như Hoan, Phát, Tâm, Dìn hiện lên thật gần gũi và cao đẹp. Bằng sự mưu trí và dũng cảm, các đội viên đã giúp du kích cất giấu vũ khí ngay trong tròng địch cùng với các anh cho nổ mìn phá tung Câu lạc bộ. Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng năm đó được giao nhiệm vụ thâm nhập vào những nơi địch chiếm đóng để lấy thông tin, nắm tình hình địch rồi thông báo cho lực lượng của ta.
Trong đội du kích thiếu niên ấy, nổi bật nhất là đội trưởng Nguyễn Thạc Hoàn, ở Đình Bảng (Từ Sơn – Bắc Ninh) sinh năm 1935, ở vùng quê bị địch chiếm đóng, có lòng yêu nước nồng nàn và sớm được giác ngộ, mới 12 tuổi, cậu bé Nguyễn Thạc Hoàn đã tham gia vào đội liên lạc của du kích xã. Đến năm mười bốn tuổi đã trở thành đội viên Đội du kích Thiếu niên Đình Bảng. Những ngày đầu, Hoàn vào đồn lân la làm quen và giặt hộ quần áo cho một sỹ quan Pháp tên Sác – lơ. Khi đã quen, Hoàn làm đủ mọi việc như: dọn dẹp, bưng bê, nấu ăn trong các Hội nghị cho chúng. Vì vậy, Hoàn đã lấy được rất nhiều thông tin quan trọng, quý giá cho cách mạng. Mưu trí, dũng cảm, Hoàn đã lập được nhiều chiến công hiển hách.
Và những đội viên trong Đội du kích thiếu niên Đình Bảng đã được ghi tên trong lịch sử truyền thống của Đội, có ảnh được trưng bày trong Viện Bảo tàng Cách mạng. Tên tuổi của những người du kích nhỏ tuổi đó đã vang xa ra ngoài biên giới.
Cuốn sách “Đội du kích Thiếu niên Đình Bảng” được tái bản sau gần 50 năm vẫn luôn luôn được bạn đọc đón nhận, vì ngoài nội dung có nhiều tình tiết hấp dẫn của những câu chuyện có thật, “lịch sử được làm mới”, bìa trình bày đẹp và bổ sung nhiều tư liệu.
Thư viện nhà trường xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô, các em học sinh cuốn sách “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng”. Các bạn hãy tìm đọc để biết được những câu chuyện sống động về đời sống của những du kích tuổi thiếu niên thời ấy và để có dịp được bày tỏ lòng ngưỡng mộ, khâm phục họ. Sách có tại phòng Thư viện Nhà trường. Mong các bạn tìm đọc và giới thiệu cho nhiều người cùng đọc nhé!.
XÁC NHẬN CỦA BGH
|
CÁN BỘ THƯ VIỆN
Trần Thị Giang
|