Từ xưa đến nay vai trò của người phụ nữ trong gia đình là rất quan trọng. Với trách nhiệm là một người vợ, một người mẹ trong gia đình phải gánh vác lo toan bao nhiêu là chuyện trong nhà. “Công, dung, ngôn, hạnh” là những chuẩn mực cơ bản của một người phụ nữ của gia đinh cần có:
“Công” được hiểu là nữ công gia tránh, biết nội trợ, biết may vá thêu thùa, biết chăm sóc con cái và chăm sóc gia đình.
“Dung” chỉ vẻ đẹp của người phụ nữ không quá phô trương. Đó là vẻ đẹp kín đáo, nết na, dịu dàng, đảm đang…
“Ngôn” là những lời nói nhã nhặn, dễ nghe, nhỏ nhẹ, gọi dạ bảo vâng .. kèm theo đó là cư xử đúng phép tắc, thể hiện sự đoan trang, thanh lịch của người phụ nữ.
“Hạnh” là đức tính cuối cũng cũng là quan trọng nhất trong “tứ đức”. Hạnh dùng để chỉ đạo đức, lòng chung thủy sắt son,giữ trọn nề nếp gia phong….được thể hiện qua các mối quan hệ của cha mẹ, con cái, vợ chồng.
Từ bốn đức tính đó mà người phụ nữ đã làm nên lịch sử. Nếu ngày xưa phụ nữ chỉ làm những việc trong nhà từ nội trợ đến chăm sóc con cái và phụng dưỡng cha mẹ còn việc nặng nhọc đến việc của nước thì dành cho cánh đành ông thì ngày nay đã khác. Phụ nữ ngày nay không chỉ biết nội trợ, may vá, thêu thùa mà còn còn có vị thế vững chắc ngoài xã hội hay chỉ là vẻ đẹp phụ nữ ngày nay không chỉ được công nhận bởi vẻ ngoài kín đáo mà còn được tôn lên vẻ đẹp cá tính của bản thân.
Phụ nữ ngày nay họ rất đảm từ việc nhà đến việc nước, thậm chí còn làm tốt hơn cánh đàn ông. Quan niệm đàn ông là trụ cột của gia đình dần thay đổi vì người phụ nữ cũng có thể làm tốt. Ra ngoài xã hội họ giỏi giang, tính toán tỉ mỉ, tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Về nhà họ làm một người vợ đảm, chăm sóc cho chồng con từ việc nội trợ, bếp núc, dọn dẹp nhà cửa. Họ còn có một trọng trách cực kì quan trọng là nuôi dưỡng con cái nên người. Vai trò làm mẹ của người phụ nữ không chỉ ở việc thực hiện chức năng sinh sản “
mang nặng đẻ đau” mà còn chủ yếu trong việc nuôi dạy con cái. Ngay từ giây phút bắt đầu hình thành trong bụng mẹ, những bào thai đã gắn kết chặt chẽ với mẹ, đã sống bằng sự nuôi dưỡng của mẹ. Khi mới chào đời, đứa trẻ có quan hệ đầu tiên với xã hội chính là quan hệ với người Mẹ. Mẹ là mẫu hình đầu tiên (và suốt đời) đứa trẻ tiếp nhận và noi theo. Mẹ là người thầy đầu tiên dạy con làm người, trực tiếp trao truyền văn hóa cho con nâng giấc chăm bẵm cho con lớn khôn, cùng với người cha và những thành viên khác rèn cặp con theo nền nếp gia đình. Từng bước chân của con trên đường đời đều có mẹ theo sát nâng đỡ, bảo ban, dạy dỗ đúng sai, phải trái, trao cho con cái đạo làm người: “
Ở sao có đức có nhân, mới mong đời trị được ăn lộc trời”. Người mẹ còn gieo vào tâm hồn con một tình yêu rộng lớn của gia đình Việt Nam, trách nhiệm và nghĩa vụ trước gia đình, quê hương và Tổ quốc. Trong thời đại mới này để tìm kiếm một người phụ nữ giỏi không khó. Tiêu biểu như bà Cao Thị Ngọc Dung được mệnh danh là “nữ tướng” ngàng vàng bạc; bà Nguyễn Thị Phương Thảo tỷ phú thứ 2 Việt Nam hay bà Thái Hương người từng lọt top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á và đặc biệt không thể không nói đến bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội thứ 8 của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Việt Nam. Bà trở thành nữ chính khách Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ này. Sự giỏi giang của bà thì được cả nước công nhận, bà đã cống hiến cho xã hội hết mình. Bà nổi lên với sự sắc đảo, mạnh mẽ, quyết đoán nhưng luôn duyên dáng đằm, thắm. Tuy nhiên, trái ngược với hình ảnh mạnh mẽ, sắc sảo trên thương trường, hình ảnh bà trước người dân luôn gần gũi và giản dị mang đậm chất phong cách người phụ nữ Nam Bộ. Ra xã hội thì thế về nhà bà vẫn luôn là một người phụ nữ biết chăm sóc tận tụy cho gia đình. Ngày nay, phụ nữ đã khẳng định được vai trò của mình trong xã hội, tham gia các phong trào thi đua; phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà, phụ nữ tích cự học tập lao động, sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc,…Nhiều chị em đã trở thành những gương mặt tiêu biểu về lao động giỏi, lao động sáng tạo xứng đáng là phụ nữ Việt Nam “Năng đọng, sáng tạo, trung hậu, đảm đang trong thời kì đổi mới. Đến ngày nay không ai có thể phủ nhận vai trò to lớn của người phụ nữ. Vậy nên, họ xứng đáng được tự hào và ngợi ca.
Ngày 20-10 hằng năm là một trong những dịp quan trọng để xã hội thể hiện sự ghi nhận công lao của người phụ nữ, để những đứa cháu đi xa nhớ về bà, những người con biết yêu thương vết chân chim trên mắt mẹ, những người chồng thêm yêu và trân trọng vợ hơn, những học trò nhớ về những “cô giáo như mẹ hiền” của mình. Chúng ta cũng chắc chắn được khẳng định rằng: Vai trò cũng như vị thế của người phụ nữ trong xã hội ngày nay được nâng cao và có đóng góp ngày một lớn cho sự phát triển chung trong mọi lĩnh vực.
Ngày 20 tháng 10 là ngày để cho mỗi con người Việt Nam nhớ tới những người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời họ. Đó có thể là những người mẹ tàn tảo sớm hôm nuôi con, người vợ dịu hiền, người bà kính yêu hay cô giáo dạy mình. Phụ nữ Việt Nam không giống một hình ảnh người phụ nữ nào khác trên thế giới, họ không nhẹ nhàng như phụ nữ Nhật, không chất phác như phụ nữ Nam Phi, không hiện đại như phụ nữ phương Tây mà người phụ nữ Việt Nam tự hào với tám chữ: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Có thể nói rằng, mỗi người phụ nữ là một món quà của tạo hóa đối với cuộc đời chúng ta. Vì vậy bạn hãy trân trọng từng khoảnh khắc khi được ở bên họ. Nhân ngày phụ nữ Việt Nam, tôi xin chúc tất cả phụ nữ trên đất nước luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và bình an.
Happy Women’s Day!