Thuật ngữ “nghiên cứu bài học” (NCBH) (tiếng Anh là Lesson Study hoặc Lesson Research) được chuyển từ nguyên nghĩa tiếng Nhật (jugyou kenkyuu) . Thuật ngữ NCBH có nguồn gốc trong lịch sử giáo dục Nhật Bản, từ thời Meiji (1868 -1912), như một biện pháp để nâng cao năng lực nghề nghiệp của giáo viên thông qua nghiên cứu cải tiến các hoạt động dạy học các bài học cụ thể, qua đó cải tiến chất lượng học của học sinh.
Thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, BGH trường THCS Long Biên đã chỉ đạo cho tổ Xã hội thực hiện Chuyên đề Đổi mới dạy học theo phương pháp Nghiên cứu bài học môn Mỹ thuật.
Các thành viên trong tổ đã tích cực trao đổi và chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình giảng dạy từ đó giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Ngọc Trực xây dựng và phát triển giáo án nghiên cứu bài học thông qua tiết dạy Chuyên đề môn Mỹ thuật lớp 8 : Xé dán lọ hoa, quả. Về mục tiêu, nội dung và phương pháp của giờ học là do đồng chí Phạm Ngọc Trực trực tiếp dạy minh hoạ, chủ động lựa chọn. Nhóm chuyên môn đã đóng góp ý kiến để đồng chí có thể tham khảo phục vụ cho bài dạy thực nghiệm của mình.
Mở đầu bài học thú vị là phần học sinh quan sát các bức ảnh tuyệt đẹp về lọ hoa, quả với sắc màu rực rỡ, nhiều kiểu dáng trên nhạc nền lãng mạn Titanic. Nguồn cảm hứng học tập được thầy giáo khéo léo khơi dậy ngay tại những phút giây đầu tiên của tiết học.
Khởi động hoạt động thú vị nhất của giờ học là khi thầy giáo phát cho mỗi nhóm học sinh một tờ giấy A2 với yêu cầu: “Các con hãy gấp và xé những tờ giấy màu đã chuẩn bị thành lọ hoa, các loại hoa và các loại quả rồi dán vào đây”.
Yêu cầu của bài học tưởng như dễ dàng nhưng thực chất nó đòi hỏi các em học sinh phải có sự chủ động tìm tòi về cách xé, dán giấy màu làm sao thành hình lọ hoa, hoa và quả vừa nhanh, vừa đẹp, lại vừa hài hòa dựa trên định hướng nghiên cứu từ phía thầy giáo. Đôi bàn tay bé nhỏ của những cô cậu học trò lớp 8B bắt đầu tạo nên những bông hoa, loại quả của riêng mình…
Bốn nhóm học sinh là bốn góc sáng tạo, để có những bức tranh đẹp cần có niềm đam mê, lòng nhiệt huyết và tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ. Các em học sinh có 30 phút để mặc sức thể hiện tài năng hội họa. Bằng sự nhạy bén của một giáo viên có kinh nghiệm lâu năm, thầy Trực quan sát lớp học và dễ dàng nhận ra sự lúng túng của các nhóm học sinh khi lần đầu thực hiện thao tác xé, dán giấy màu. Vì thế, thầy Trực đến từng nhóm, hướng dẫn tỉ mỉ cho các em học sinh.
Sau 30 phút đầy kịch tính, bốn nhóm học sinh mang sản phẩm lên bảng trưng bày.
Nhóm 1 và nhóm 3 đã kịp hoàn thành tác phẩm nghệ thuật của mình. Nhóm 3 và 4 vẫn còn trong quá trình tạo lập. Để hiểu hết ý tưởng của từng nhóm, thầy giáo mời nhóm trưởng của hai nhóm đã hoàn thiện tranh xé dán lọ hoa, quả lên thuyết trình.
Thầy hết lời khen ngợi với hai nhóm đã hoàn thành nhiệm vụ. Với nhóm 2 và nhóm 4, thầy giáo đặt các câu hỏi dẫn dắt để giúp các em nhận thấy ưu điểm và hạn chế của mình trong quá trình thực hành xé, dán dẫn đến chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Tiết học khá thành công, các em học sinh rất có hứng thú học tập.
Chuyên đề Dạy học theo phương pháp Nghiên cứu bài học môn Mỹ thuật sau khi được triển khai mỗi giáo viên trong tổ Xã hội đã học hỏi, vận dụng, nhân rộng vào trong các bài học, phù hợp với phương pháp dạy học để hiệu quả giáo dục ngày được nâng cao.