Nhằm góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; từng bước bồi dưỡng phương pháp tự học, hình thành những năng lực và phẩm chất cần thiết cho học sinh, ngày 26 tháng 3 năm 2019 vừa qua, trường THCS Long Biên đã tổ chức chuyên đề Bàn tay nặn bột môn vật lý lớp 8. Tiết dạy do cô giáo Đặng Thị Yến thực hiện tại lớp 8E đã thành công tốt đẹp.
Bàn tay nặn bột là một chiến lược về giáo dục khoa học, được Giáo sư Georger Charpak (người Pháp) sáng tạo ra và phát triển từ năm 1995 dựa trên cơ sở khoa học của sự tìm tòi – nghiên cứu, cho phép đáp ứng những yêu cầu dạy học mới. Phương pháp “ Bàn tay nặn bột” đặc biệt rất phù hợp khi áp dụng vào các tiết Tự nhiên xã hội và Khoa học. Nó giúp tập trung phát triển khả năng nhận thức của học sinh, giúp các em tìm ra lời giải đáp cho các thắc mắc bằng cách tự đặt mình vào tình huống thực tế, từ đó khám phá ra bản chất vấn đề.
Tiết học “Dẫn nhiệt” chỉ áp dụng ở hoạt động Tìm hiểu sự dẫn nhiệt nhưng giáo viên vận dụng một cách khéo léo và linh hoạt 5 bước của phương pháp Bàn tay nặn bột đã giúp học sinh nắm được bài. Tiết dạy diễn ra với hệ thống câu hỏi dẫn dắt, gợi tìm, nâng cao phù hợp, đảm bảo chuẩn kiến thức – kĩ năng, tuân thủ quy trình 5 bước; về phía người học, tất cả học sinh đều tham gia một cách tích cực, tự nhiên, hiệu quả bài học.
Sử dụng PP BTNB thường xuyên là tạo nên tính tò mò, ham muốn khám phá, yêu và say mê khoa học, phát huy tính tích cực, sáng tạo, khắc sâu kiến thức, học sinh thích thú học tập. Ngoài việc chú trọng đến kiến thức khoa học, PP BTNB còn chú ý nhiều đến việc rèn luyện kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết cho HS.
Bên cạnh đó việc sử dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” cũng gặp không ít khó khăn như: Về phía GV cần rất nhiều thời gian và công sức chuẩn bị, lên kế hoạch cho tiết dạy; GV phải có kiến thức khoa học tự nhiên vững vàng và khả năng linh hoạt để ứng phó với mọi tình huống bất ngờ xảy ra trong tiết học, gv phải dự kiến được các tình huống có thể sẽ xảy ra để đưa ra phương án xử lí; kĩ năng đặt câu hỏi sao cho ngắn gọn, gợi mở, dễ hiểu gây được sự tò mò, hứng thú cho học sinh và hướng dẫn cho học sinh tự đặt câu hỏi cũng là việc không dễ dàng…Tất cả các điều này không phải GV nào cũng làm được. Về phía HS, các em phải có vốn kiến thức thực tế phong phú, phải chủ động học tập, phải năng động, sáng tạo, không ỷ lại ở thầy cô.
Qua tiết học cho thấy được đây là các phương pháp học tập khoa học, tạo tính tò mò, kích thích ham muốn và say mê khoa học của học sinh, giúp các em trải nghiệm và tiếp thu kiến thức dễ dàng và tự nhiên.