Đội Thiếu niên Tiền phong (TNTP) Hồ Chí Minh được thành lập vào ngày 15/5/1941 tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng với tên gọi đầu tiên là Hội Nhi đồng Cứu quốc. Ngày đầu thành lập, Đội có 5 đội viên là Nông Văn Dền (bí danh là Kim Đồng, Nông Văn Thàn (bí danh là Cao Sơn), Lý Văn Tịnh (bí danh là Thanh Minh), Lý Thị Nì (bí danh là Thủy Tiên) và Lý Thị Xậu (bí danh là Thanh Thủy). Kim Đồng được bầu làm đội trưởng.
Sau tháng 5/1941, các Đội thiếu nhi cứu quốc ở mọi nơi được thành lập, tích cực tham gia các hoạt động cách mạng cùng với cha anh và tham gia các hoạt động xã hội như: dạy bình dân học vụ, cổ động, tham gia sản xuất, tiết kiệm hoặc bảo vệ trật tự trị an, giúp đỡ bộ đội, tự vệ.
Sau thắng lợi lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngày 02/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt nam dân chủ cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam. Nhưng hòa bình chưa được bao lâu, giặc Pháp lại xâm lược nước ta một lần nữa. Bác Hồ đã kêu gọi toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp. Các Đội thiếu nhi cứu quốc đã làm theo lời Bác tham gia kháng chiến. Đội viên, thiếu nhi tích cực tham gia hoạt động cách mạng như làm liên lạc, trinh sát, bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ xóm làng, tham gia lao động tiết kiệm, xoá mù chữ... và lập công xuất sắc như Đội thiếu nhi Hoàng Văn Thụ, Đội thiếu nhi Bát Sắt (Hà Nội), Đội Thiếu nhi Thành Huế, Đội Thiếu nhi Đồng Tháp Mười... Nhiều tấm gương anh hùng liệt sĩ thiếu niên như Lê Văn Tám, Dương Văn Nội, Vừ A Dính, Phạm Ngọc Đa, Nguyễn Văn Thu… xuất hiện trở thành gương sáng cho các thế hệ mai sau.
Vào tháng 02/1948, Bác Hồ đã gửi thư căn dặn thiếu nhi cả nước làm công tác Trần Quốc Toản. Từ đó, một phong trào lớn của Đội ra đời để giúp đỡ gia đình thương binh liệt sĩ, neo đơn. Đến nay công tác Trần Quốc Toản đã trở thành phong trào truyền thống của Đội ngày càng phát triển và có ý nghĩa xã hội rộng lớn.
Tháng 3/1951, Đội thiếu nhi cứu quốc được đổi tên thành Đội Thiếu nhi tháng Tám.
Năm 1954, hòa bình lập lại, nhưng nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền. Đế quốc Mỹ âm mưu chia cắt nước ta và phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Từ đó, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng vừa đấu tranh thống nhất Tổ quốc, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Miền Bắc hòa bình, trẻ em được cắp sách đến trường. Tổ chức Đội phát triển mạnh đến các thôn xóm, bản làng và các trường học. Các phong trào “Vì miền Nam ruột thịt”, “Đi thăm miền Nam” của Đội cũng phát triển mạnh mẽ.
Sau Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 2, ngày 4/11/1956 Đội được đổi tên là Đội Thiếu niên Tiền phong. Đến năm 1961, các em ở lứa tuổi nhi đồng được tổ chức vào Đội nhi đồng tháng Tám.
Ngày 15/5/1961 nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội, Bác Hồ đã căn dặn các cháu thiếu niên nhi đồng 5 điều:
“Yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt,
Giữ gìn vệ sinh thật tốt,
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.”
Từ đó đến nay 5 điều Bác Hồ dạy đã trở thành mục tiêu phấn đấu của toàn thể thiếu niên, nhi đồng Việt Nam.
Năm 1961, phong trào “Nghìn việc tốt” của Đội xuất hiện ở Tam Sơn, Hà Bắc và phát triển khắp các địa phương và trở thành một phong trào lớn của Đội cho đến nay với nội dung: “Nói lời hay, làm việc tốt, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ”. Ngày 20/12/1961 Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong ở miền Nam được thành lập và phong trào “Việc nhỏ chí lớn chống Mỹ cứu nước” trở thành phong trào tiêu biểu của thiếu nhi miền Nam, phát triển theo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, thiếu nhi cả 2 miền đã lập nên những chiến công xuất sắc.
Ngày 15/5/1966, nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Đội, Bác Tôn Đức Thắng thay mặt Đảng và Nhà nước đã trao cho Đội lá cờ thêu nhiệm vụ của Đội trong thời kì chống Mỹ cứu nước.
“Vâng lời Bác dạy,
Làm nghìn việc tốt
Chống Mỹ cứu nước
Thiếu niên sẵn sàng”
Ngày 30/1/1970, sau ngày Bác Hồ đi xa, thể theo nguyện vọng của thanh niên, đoàn viên, đội viên, thiếu nhi cả nước, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra nghị quyết trao cho Đoàn và Đội được mang tên Bác Hồ kính yêu và từ đó đến nay Đội được mang tên: Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Ngày 30/4/1975, miền Nam độc lập, đất nước hoàn toàn giải phóng. Ngày 23/6/1976 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 23 họp tại thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh trong cả nước và đề nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng trao cho Đội khẩu hiệu: “Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại: Sẵn sàng!”. Sau khi đất nước giải phóng, Đội viên thiếu nhi tiếp tục phấn đấu, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà tiêu biểu là các sự kiện nổi bật sau:
Trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang của Đội TNTP Hồ Chí Minh, đã có rất nhiều tấm gương Đội viên, thiếu nhi anh hùng, tiêu biểu cho hình ảnh Đội viên, thiếu nhi Việt Nam, tiêu biểu :
+ KIM ĐỒNG: Người Đội trưởng đầu tiên của Đội, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam.
Tên thật của Kim Đồng là Nông Văn Dền, dân tộc Nùng, ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Anh là người đội viên đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Từ nhỏ, Kim Đồng giúp mẹ làm đủ việc trong nhà, ở rừng, ở rẫy. Khi nhận công tác giao liên, Kim Đồng luôn hoàn thành nhiệm vụ. Kim Đồng vừa gan dạ, vừa mưu trí, luôn có sáng kiến bảo vệ tài liệu mật và mọi cuộc họp của cán bộ. Lần cuối cùng canh gác để cán bộ họp bất thường, Kim Đồng thấy lính bao vây, chỉ còn cách nhờ bạn lẻn lối khác về báo cấp tốc, còn mình đánh động để lính chú ý đến mình. Quả nhiên, tên lính bị lừa, tên gần nhất đã thẳng tay nhắm bắn anh. Tiếng súng cũng là tiếng báo động để các cán bộ đang họp thoát nạn. Nhưng chính Kim Đồng gục ngã bên bờ suối ở tuổi 15, hôm ấy là ngày 15/2/1943.
Anh đã nêu một tấm gương vì cách mạng quên mình, hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ cán bộ cách mạng. Sự hy sinh đó là tấm gương sáng chói mở đầu cho nhiều gương cao quí khác trong đội ngũ Đội viên Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
+ LÊ VĂN TÁM: Ngọn đuốc sống
Năm ấy, ở gần chợ Đa Kao thành phố Sài Gòn có một em bé con nhà nghèo phải đi bán lạc rang, đánh giày để kiếm sống. Tên em là Tám.
Lê Văn Tám thường lân la tới những nơi có quân Pháp đóng để bán hàng, đánh giầy. Tám tỏ ra hiền lành, nhút nhát nên được bọn lính Pháp để cho đi qua, đi lại và dần dần quen mặt em. Tại Thị Nghè, có một kho xăng, đạn lớn của địch. Hình ảnh những hòm đạn, những trái bom hiện ra trong trí nhớ của Tám cùng những cảnh tàn phá, giết chóc dã man của địch đối với đồng bào ta đã thôi thúc em tính đến việc làm táo bạo. Tám nảy ra ý định sẽ phá kho xăng đạn này.
Sau mấy hôm dò la quan sát địch, Tám giấu dầu xăng trong người, thản nhiên khoác hòm lạc rang đến bán cho lính như thường lệ. Lợi dụng lúc bọn địch không để ý Tám chạy như bay vào chỗ để xăng và xoè diêm. Dầu xăng trong người Tám bốc cháy và bén luôn vào thùng xăng gần nhất. Thế là cả kho xăng bốc cháy đùng đùng rồi lan tới chỗ bom đạn. Tiếng nổ rầm trời, khói lửa mịt mù cả thành phố.
Lê Văn Tám đã hy sinh và để lại trong trí nhớ nhân dân Thành phố Sài Gòn hình ảnh: Em bé đuốc sống của thành phố mang tên Bác, của dân tộc Việt Nam.
+TRẦN VĂN CHẨM: Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Việt Nam
Trần Văn Chẩm sinh năm 1948 ở Phước Vĩnh An – Củ Chi, anh luôn được mọi người yêu mến. Sau khi nghe tin một cán bộ quen biết bị tên đại diện Chưng bắt, đánh gãy chân rồi đưa về quận trưởng giết chết, thì từ đó, anh Chẩm trở nên lầm lì ít nói, để ý đến tên Chưng và mày mò tạo súng từ sườn xe đạp cũ. Hôm ấy, tên Chưng đi đâu về ghé uống nước ở quán chú Tư Lên, chợt có hai cậu bé đi học về đội nón che nửa mặt vào quán hỏi mua thuốc lá. Ngậm điếu thuốc lên miệng, cậu thò tay vào túi lấy hộp quẹt, không ngờ cậu lấy ra khẩu súng chỉa vào mặt tên Chưng và bắn, tiếng nổ vang lên kết liễu tên ác ôn. Hôm khác, Chẩm dò la tin tức và định giết tên cảnh sát Long nhưng bị chúng phục kích bắt được. Tên Long giận dữ, tra tấn, đánh đập, chặt đầu anh khi nghe Chẩm nói : “Tao còn tính giết cả mày nữa đấy!”, sau đó tên Long đã bêu đầu người chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi trước cổng đồn. Sự hy sinh của anh Chẩm đã góp phần thắp lên ngọn lửa chiến đấu trong lòng người dân Củ Chi.
+ VÕ THỊ SÁU: Có cái chết hóa thành bất tử, có những lời hơn mọi lời ca.
Chị Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu sinh năm 1933, quê ở xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chị đã dũng cảm hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao như giao liên, mua hàng tiếp tế cho các tổ chức cách mạng. Năm 1948, chị tham gia phá tề, trừ gian, giết cai tổng Tòng, rồi cùng đồng đội phá cuộc mít tinh kỉ niệm Quốc khánh nước Pháp do ngụy quyền tổ chức, đã trực tiếp diệt nhiều lính Pháp ở Vũng Tàu. Tại phiên chợ Tết tháng 2/1950, chị dẫn đầu một tổ, dùng lựu đạn tập kích diệt hai tên ác ôn Cả Suốt, Cả Đay. Không may chị bị sa vào tay địch. Chúng dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng không khai thác được gì, liền đưa chị về giam ở khám Chí Hòa, Sài Gòn để tiếp tục khai thác và sau đó mở phiên tòa, tuyên án tử hình chị.
+ NGUYỄN BÁ NGỌC: Quên mình hy sinh
Là học sinh lớp 4B trường cấp 1 xã Quang Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Ngày 04/4/1965, máy bay Mỹ ném bom bắn phá, lúc ấy người lớn đã ra đồng làm việc, trong nhà chỉ có trẻ em. Nghe tiếng máy bay, Ngọc đã chạy xuống hầm chợt nghe nhà bên có tiếng khóc to, không chút chần chờ, Ngọc nhào lên chạy sang nhà Khương thì thấy bạn đã bị thương, còn hai em nhỏ của Khương đang kêu khóc. Ngọc vội bế và dìu hai em xuống hầm, gần tới nơi trú ẩn thì giặc lại thả bom và anh đã bị trúng đạn vào lưng rất nguy hiểm. Sau khi cứu được 2 em nhỏ rồi Ngọc mới tái mặt, lả đi. Vết thương quá nặng nên Nguyễn Bá Ngọc đã hy sinh vào lúc 02 giờ sáng ngày 05/4/1965 tại bệnh viện.
Tấm gương dũng cảm của Nguyễn Bá Ngọc đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sỹ và Huân chương Chiến công Hạng Ba. Với ý chí kiên cường và lòng dũng cảm, Nguyễn Bá Ngọc là tấm gương sáng tuổi xanh.
Bảy mươi ba năm ( 1941 - 2014) ghi dấu một chặng đường phát triển và trưởng thành của tổ chức Đội với lớp lớp các thế hệ đội viên đã trở thành những nhà lãnh đạo, những công dân ưu tú của xã hội, những tiến sỹ, kỹ sư, bác sỹ, những nhà khoa học, thầy cô giáo, những công nhân có bàn tay vàng… Hôm nay đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dìu dắt của Đoàn và sự chăm lo của toàn xã hội, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam đang có những thuận lợi, thời cơ mới để tiếp bước cha anh rèn đức, luyện tài, xây dựng tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ngày càng vững mạnh.
Việc trở thành đội viên của đội TNTP Hồ Chí Minh minh chứng cho sự cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân em. Màu khăn đỏ thắm em mang trên vai chính là một phần của lá cờ tổ quốc. Được mang theo bên mình niềm danh dự lớn lao, em rất vui và tự hào. Dưới tư cách là một người đội viên của đội TNTP Hồ Chí Minh, em xin hứa sẽ cố gắng học tập tốt, yêu thầy, mến bạn, là một đứa con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ để xứng đáng với màu khăn em mang trên vai.