Phương pháp dạy học là yếu tố quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Phương pháp dạy học có hiệu quả thì mới có thể tạo ra sự đam mê, thích thú của cả giáo viên lẫn học sinh. Đứng trước bối cảnh thời đại mới, hiện đại, phương pháp giảng dạy cố hữu tại Việt Nam – thầy cô là người giảng dạy, chia sẻ kiến thức còn học sinh có nhiệm vụ lắng nghe có nhiều điểm bất cập. Bất cập lớn nhất là hạn chế sự phát triển tư duy và các kĩ năng cho học sinh.
Trong tình hình này, đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh là tất yếu. Tổ Xã hội trường THCS Long Biên đã thực hiện Chuyên đề Giáo dục công dân 7: Bảo tồn di sản văn hóa do cô giáo Phạm Thị Thanh Thủy thực hiện.
Mở đầu chuyên đề, phần khởi động, học sinh được tham gia trò chơi “Thử tài hiểu biết” tìm hiểu những làn điệu mang đậm bản sắc, văn hóa quê hương dân tộc. Hình thức chơi: học sinh trong đội ghi lên bảng thật nhanh câu trả lời, mỗi đáp án đúng sẽ ghi được điểm. Thời gian chơi khá ngắn nên buộc các học sinh phải suy nghĩ thật nhanh, đồng tâm hiệp lực. Hoạt động đã khiến học sinh hứng thú, hào hứng tham gia vào tiết học. Cô giáo Phạm Thị Thanh Thủy khéo léo chuyển dẫn từ trò chơi sang phần khám phá bài học, tìm hiểu khái niệm và một số loại di sản văn hóa của Việt Nam.
Trong khám phá, cô giáo đã yêu cầu học sinh đọc thông tin trong sách giáo khoa kết hợp với việc xem video giới thiệu về di sản văn hóa để có thể nêu ra khái niệm. Việc kết hợp nhuần nhuyễn học liệu sách giáo khoa và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đã giúp học sinh nhận biết được kiến thức chứ không còn phụ thuộc vào giáo viên như phương pháp dạy học truyền thống trước đây – giáo viên là trung tâm.
Tiếp theo, biến học sinh trở thành trung tâm, cô giáo trẻ Thanh Thủy đã yêu cầu nhóm học sinh chuẩn bị ở nhà điều khiển “Trò chơi ai nhanh hơn” để phán đoán di sản văn hóa này thuộc giá trị vật chất hay giá trị tinh thần. Từ trò chơi, cô giáo trẻ đã phát vấn học sinh để chốt lại kiến thức. Khác với việc chỉ đọc sách giáo khoa và thực hiện các yêu cầu, cô giáo đã tỉ mỉ, kĩ lưỡng trong việc tạo khá nhiều hoạt động kích thích phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.
Học sinh tiếp tục chỉ ra được một số loại di sản văn hóa của Việt Nam: di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Bằng hình ảnh trực quan sinh động và những lời dẫn dắt thú vị, cô giáo đã giúp học sinh liệt kê, nhận biết được các di sản. Và hơn thế nữa, cô giáo còn giúp học sinh phân biệt được các khái niệm khá giống nhau về nghĩa. Điều đặc biệt trong khám phá, cô giáo có nhắc một số điều luật để học sinh chủ động nắm bắt. Ngoài ra, cô giáo còn liên hệ mở rộng thêm đến ngày Di sản Văn hóa Việt Nam từ đó giúp học sinh có kiến thức thực tiễn.
Học sinh tiếp tục trở thành trung tâm khi tự tin thuyết trình theo những nhiệm vụ được giao về các di sản văn hóa và ý nghĩa của chúng. Nhóm đầu tiên trình bày về cố đô Huế khá tự tin. Nhóm sử dụng phần mềm để thuyết trình Powerpoint khá tốt. Các hình ảnh kết hợp với những câu chữ được gọt giũa khá tỉ mỉ khiến cả lớp chăm chú theo dõi. Điều thú vị nhất là cuối bài thuyết trình, nhóm học sinh còn giao lưu đặt câu hỏi cho các bạn trong lớp trả lời. Các nhóm còn lại sẽ dành cho tiết học sau.
Thời gian 45 phút dường như trôi qua quá nhanh, cả cô và trò vẫn đang say sưa khám phá tri thức. Việc đổi mới phương pháp dạy học đã đem lại hiệu quả lớn cho tiết học, phát huy được năng lực và phẩm chất cho học sinh.