Chùa Tăng Phúc tọa lạc tại làng Thượng Cát, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Ngày xưa, nơi đây là ấp Gia Trợ thuộc kinh Bắc là làng cổ của đồng bằng sông Hồng có lịch sử trên ngàn năm tuổi, một vùng địa linh nhân kiệt, đất đai mầu mỡ nằm giữa hai con sông lớn, sông Đuống và sông Hồng và nằm trong khu tam giác đế đô: kinh thành Thăng Long, Cổ Loa thành, làng Cổ Pháp (Đình Bảng) nơi phát tích vương triều Lý.
Về phong thủy, ấp Gia Trợ có địa hình rất đẹp với thế đất Quy Xà, trông như đàn rùa gồm một mẹ bảy con, đầu hướng về biển Đông, hai bên là hai con rắn lớn uốn mình theo triền đê sông. Chùa được khởi thủy xây dựng vào thời nhà Lý, đầu thế kỷ XII. Từ khi xây dựng đến nay, chùa được trùng tu tôn tạo nhiều lần, điều này nói nên sự thăng trầm của lịch sử dân tộc song cũng thể hiện sự phát triển không ngừng của Phật giáo và sự trưởng thành của làng Thượng Cát.
Chùa được khởi thủy xây dựng vào thời nhà Lý, đầu thế kỷ XII, cách đây gần nghìn năm, do Tổ Ma Ha Ca Diếp Ma Đằng Hào Thụy khai sơn. Sở dĩ làng này mang tên Thượng Cát là chỉ về một vùng đất có nhiều tốt lành đồng thời cũng nói lên khát vọng và ước nguyện cuộc sống tươi đẹp của những con người chăm chỉ cần cù trong lao động luôn gắn bó và chan chứa tình yêu quê hương.
Hiện chùa còn giữ được hai hiện vật rất quý, đó là: Cây hương Kính Thiên Đài tạc từ đá cẩm thạch hình trụ, lục lăng, chạm khắc hoa văn tinh xảo, được dựng vào ngày 27 tháng 7 năm Tân Tỵ, niên đại Chính Hòa thứ 22 (1701) và quả chuông đồng nặng 300kg, cao 1,3 mét, đường kính 0,55 mét được đúc vào ngày mồng 1 tháng 12 năm Quý Sửu (1793), thời Hoàng đế Quang Trung, niên hiệu Cảnh Thịnh năm thứ nhất…
Theo trí nhớ của những người cao tuổi trong làng, chùa Tăng Phúc ngày xưa quy mô to lớn lắm, nhất nhì thủ đô. Tiếc thay, vạn vật vô thường đều theo quy luật thành, trụ, hoại, không, do chiến tranh tàn phá nên chùa chỉ còn là đống gạch vụ. Lần trong đống tro tàn, gạch vụn đổ nát ấy, Phật tử tìm lại được quả chuông đồng và cây hương Kính Thiên Đài. Hiện nay, còn được lưu giữ ở chùa là hai bảo vật: Cây hương Kính Thiên Đài tạc từ đá Cẩm Thạch, hình trụ, lục lăng, chạm khắc hoa văn tinh vi, được dựng vào ngày 27 tháng 7 năm Tân Tỵ, niên đại Chính Hòa thứ 22 (1701) dựng lại bên Tháp Tổ. Quả chuông đồng, nặng 300kg, cao 1,3 mét, đường kính 0,55 mét được đúc vào ngày mồng 1 tháng 12 năm Quý Sửu (1793) thời Hoàng đế Quang Trung niên hiệu Cảnh Thịnh năm thứ nhất.
Sau chiến tranh các cụ cao tuổi trong làng xin đất vườn chùa làm nơi trồng cây để giữ lại nền ngôi chùa. Năm 1989, Phật tử hương thôn cùng nhau phát tâm dựng lại ngôi Tam bảo nhỏ để thờ Phật. Bởi vì: “Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của Tổ tông”. Ngày 16/10/2011, Đại lễ khánh thành chùa Tăng Phúc đã được tổ chức trong không khí trọng thể, hân hoan của Phật tử và người dân địa phương.
Thăm Chùa Tăng Phúc hôm nay ngôi chùa hiện đại nhưng trông rất cổ kính. Chùa xây hai tầng, tầng một là nơi thờ Tổ và giảng đường có diện tích 400 mét vuông, làm nơi giảng kinh, thuyết pháp, sinh hoạt cho thanh thiếu niên, Phật tử đủ chỗ cho khoảng 500 người. Tầng hai là Đại hùng bửu điện và bàn thờ Mẫu, tôn trí Phật tượng trang nghiêm, lộng lẫy. Hai bên là nhà khách, nhà ăn. Trong khuôn viên chùa có tháp Tổ, hòn non bộ với tượng đài Quán Âm tự tại, trước sân chùa là cổng tam quan sừng sững nguy nga.
Chùa Tăng Phúc ngày nay không chỉ là nơi thờ Phật tôn nghiêm của làng Thượng Cát, là nơi ni chúng, Phật tử tu học, mà còn là địa chỉ gặp gỡ giao lưu của những người con quê hương và tín đồ thập phương tín tâm với Phật giáo, đúng như câu đối của các bậc hào lão chúc mừng nhân ngày lễ Khánh tạ lạc thành 16/10/2011 “Xây chùa Tăng Phúc, Tăng Phúc lạc. Dựng làng Thượng Cát, Thượng Cát An”.