Giáo dục truyền thống và định hướng lý tưởng cho học sinh ở những khu di tích lịch sử, để từ đó, mỗi học sinh tự hào và am hiểu về lịch sử địa phương, có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử của quê hương mình đây là mục đích mà trường THCS Long Biên đang hướng tới.
Học sinh trường THCS Long Biên tham quan học tập tại đình Thổ Khối và đền Trấn Vũ
Đó là những hoạt động trải nghiệm được trường THCS Long Biên tiến hành trong nhiều năm học qua.
Quận Long Biên là một trong những địa phương có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng. Trong những năm gần đây, việc gìn giữ, chăm sóc các di tích lịch sử trên địa bàn huyện đã và đang được đẩy mạnh. Đi đầu trong hoạt động này phải kể đến các trường học đóng trên địa bàn có di tích với nhiều hoạt động tích cực.
Nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” bằng những hành động thiết thực và việc làm cụ thể, trường THCS Long Biên đã tổ chức cho học sinh khối 6 tham quan học tập tại di tích đình Thổ Khối và đền Trấn Vũ vào sáng thứ 2 ngày 25/11 năm 2019. Đây là một hoạt động mang tính giáo dục cao.
Đình Thổ Khối
Thời Nguyễn, Thổ Khối là một xã độc lập thuộc tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 trở đi là tỉnh Bắc Ninh). Năm 1956, Cự Linh được chia thành hai xã Cự Khối, Thạch Bàn. Xã Cự Khối gồm hai thôn Thổ Khối, Xuân Đỗ. Ngày 20-4-1961, xã Cự Khối cùng các xã khác trong huyện Gia Lâm được chuyển từ tỉnh Bắc Ninh về Tp. Hà Nội. Ngày 6-11-2003, xã Cự Khối trở thành phường Cự Khối, thuộc quận Long Biên mới thành lập. Phường này gồm 13 tổ dân phố, trong đó 7 tổ nằm trên đất làng Thổ Khối xưa. Về mặt hành chính, tên Thổ Khối không còn nữa.
Đình Thổ Khối có từ lâu đời, muộn nhất cũng trước năm 1730 nếu căn cứ vào di vật cổ nhất còn lại trong cung cấm là bản sắc phong ghi niên hiệu Vĩnh Khánh 2. Đình thờ 6 vị thành hoàng làng gồm: Bố Cái đại vương, Cao Sơn đại vương, Linh Lang đại vương, Bạch Đa đại vương, Dị Mệ đại vương và Đào thành hoàng.
Đình Thổ Khối được xây trên một khuôn viên rộng lớn có nhiều cây lưu niên. Mặt đình nhìn ra sông Hồng ở hướng tây qua một hồ bán nguyệt, xưa kia hồ cung cấp nước cho cả làng, dân không có giếng riêng. Sân đình rất rộng với 2 dãy tả hữu vu ở hai bên, phía bắc có cổng cho ô tô ra vào. Phía nam có bậc thang rộng đi lên mặt đê, dưới sườn đê bên kia đường DT378 là ngôi chùa làng Thổ Khối, tên chữ Sùng Phúc tự.
Đình hiện nay là một quần thể kiến trúc khá đồ sộ gồm các dãy nhà nằm song song và nối với nhau bằng ống muống. Tòa tiền tế rộng 7 gian, xây 2 tầng. Tòa đại đình 5 gian 2 chái, cung ngoài 3 gian, hậu cung 3 gian. Trang trí trên kiến trúc và di vật ở trong đình rất phong phú, đặc biệt tại hậu cung còn giữ được 67 đạo sắc phong của các triều đại từ thời Lê trung hưng đến thời Nguyễn.
Đền Trấn Vũ
Cự Linh là tên xưa của vùng đất thôn Ngọc Trì, Long Biên, Hà Nội. Người dân trong thôn Ngọc Trì này không ai không biết chuyện vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) trên đường đem quân chinh phạt phương nam có dừng chân tại Cự Linh. Trong đêm vua Lê nghỉ tại Cự Linh, thánh Trấn Vũ đã hiển linh báo mộng sẽ phù trợ nhà vua. Sau này, khi chiến thắng, vua quay về đây, cho lập đền và tạc tượng thờ ngài, gọi là Hiển linh Trấn Vũ quán.
14 năm đúc tượng thần
Theo các nhà nghiên cứu Hán Nôm, bức tượng Trấn Vũ thoạt đầu là tượng gỗ. Sau đó, tượng gỗ bị hư hại và nhân dân trong vùng đóng góp tiền để đúc lại tượng bằng đồng vào năm 1747. Tuy nhiên, đến năm 1788, tượng được đúc lại một lần nữa cho xứng hơn với hình tượng Trấn Vũ, khiến tượng càng to cao lên và ngày càng uy nghiêm hơn. Việc đúc tượng này kéo dài 14 năm, tới năm 1802 thì hoàn thành. Hình dáng tượng cũng được giữ nguyên từ đó cho tới ngày nay. Tượng đồng này được đúc nguyên khối. Trên tay tượng cầm kiếm chống lên mai rùa, thân kiếm có rắn quấn quanh. Tương truyền, Quy và Xà là hai vị đại tướng và hóa thân của thần Trấn Vũ. Theo truyền thuyết, Trấn Vũ cũng là vị thần giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa.
Trên bia “Trấn Vũ điện bi ký” dựng năm 1820 cũng ghi lại: “Năm Đinh Sửu Cảnh Hưng 1757, đúc tượng đồng. Mỗi lần chiêm ngưỡng tượng thần lại muốn to lớn hơn nên tiết đông chí năm Mậu Thân 1788 đúc lại tượng… đến tháng tám năm Nhâm Tuất 1802 thì hoàn thành”.
Em Nguyễn Thanh Vân chia sẻ: “Được đến di tích lịch sử ngay tại quê mình, chúng em cảm thấy được nhân lên niềm tự hào và có thêm ý chí quyết tâm học tập tốt”.
Bằng những hoạt động thiết thực và có ý nghĩa, trong những năm qua, hoạt động chăm sóc các di tích lịch sử, học tập thông qua việc đi thăm các di tích lịch sử đã trở thành một phong trào mang tính giáo dục cao đối với thế hệ trẻ.
Thông qua hoạt động này, mỗi học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước mang trong mình niềm tự hào trước cha anh, có ý chí vươn lên để học tập và xây dựng quê hương giàu đẹp.