TRƯỜNG THCS LONG BIÊN
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10/2018
1. Thời gian: Ngày 29/ 10 /2018
2. Nội dung giới thiệu
“ Những Công chúa nổi tiếng của các triều đại Việt Nam”
3. Hình thức giới thiệu
Trong giờ chào cờ thứ 2
4. Đối tượng
Toàn thể giáo viên và học sinh trong toàn trường
5. Mục đích giới thiệu:
Cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn đọc chân dung những nàng công chúa đã có công lao to lớn với dân tộc trong thời bình cũng như thời chiến, đã dám hi sinh cuộc sống sang giàu của con người có địa vị cành vàng lá ngọc, dấn thân vào đất địch như công chúa An Tư, vì sự thành bại của triều Trần hay như công nương Ngọc Vạn vì muốn đất nước mở rộng mà trở thành hoàng hậu Chân Lạp xa lạ…
6. Người giời thiệu: Nguyễn Thị Thanh
7. Người viết nội dung
Cán bộ Thư viện: Nguyễn Thị Thanh
8. Thư mục sách:
Những Công chúa nổi tiếng của các triều đại Việt Nam/ Nhóm Trí Thức Việt tuyển chọn.- H.: Thời Đại, 2014.- 198tr, 20,5cm.
Tủ sách Việt Nam đất nước con người.
THƯ VIỆN TRƯỜNG THCS LONG BIÊN
BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10/2018
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Công chúa là con gái của vua, hoặc do vua gia phong cho một số người phụ nữ có công, hoặc một số vị nữ thần. Trải dài lịch sử Việt Nam từ thời vua Hùng dựng nước tới các thời đại phong kiến, các nàng công chúa có một vị trí khá độc đáo, kể cả huyền sử lẫn chính sử, tên họ được nhắc đến nhiều hơn so với hoàng tử cũng là con vua. Họ là những người tài sắc ven toàn làm rạng danh cho non sông Việt Nam.
Hôm nay, thư viện nhà trường xin trân trọng giới thiệu tới các thầy cô giáo và các bạn học sinh cuốn sách “Những Công chúa nổi tiếng của các triều đại Việt Nam” do nhóm Trí Thức Việt tuyển chọn, nhà xuất bản Thời Đại, năm xuất bản 2014. Cầm trên tay cuốn sách với 198 trang bạn đọc sẽ được mở ra một thế giới tri thức với những kiến thức về Lịch sử Việt Nam, được hiểu thêm về những công chúa của Việt Nam
Truyền thống “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” của phụ nữ Việt Nam là những kết tinh những phẩm chất tốt đẹp của bao thế hệ phụ nữ từ thời Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đến những anh hùng thời hiện đại như nữ tình báo Đinh Thị Vân, hay Nguyễn Thị Định – Vị nữ tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam – tất cả họ là những tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, phần lớn những nữ nhân vật kiệt xuất trong lịch sử vốn từ nhân dân mà ra. Thế nhưng họ là những nàng công chúa vốn có đời sống trong nhung lụa mà cũng dám quên mình vì đất nước lại càng đáng trân trọng.
Cùng lật giở trang 7 bạn đọc tìm đến chuyện “ Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung: Huyền thoại một tình yêu bất tử” Tiên Dung một nàng công chúa dám lấy một chàng trai nghèo làm chồng, từ bỏ cuộc sống nhung lụa để cùng Chử Đồng Tử sống cuộc sống bình dị mà hạnh phúc. Họ sống và mưu sinh bằng nghề chài lưới và trao đổi hàng hóa trên sông. Nơi ấy trở thành nơi đô hội thuyền bè tấp nập. Tiên dung là một nàng công chúa lá ngọc cành vàng, nhưng lại trở thành một người vợ tảo tần lo toan.
Lịch sử dân tộc Việt Nam ghi đậm dấu ấn chói ngời của những nữ anh hùng hào kiệt không chịu khuất phục trước kẻ thù, không chịu sống kiêp nô lệ, đứng lên chống giặc ngoại xâm giành độc lập tự do cho dân tộc. Đọc “Thánh Chân Công chúa – Nữ tướng Lê Chân” trang 23 Bà là một nữ tướng xuất sắc. Bà tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ngay từ ngày đầu và lập được nhiều chiến công lớn, góp phần tích cực củng cố chính quyền, nên được vua Trưng tin cậy giao nhiều trọng trách. Đúng như câu thơ một nhà thơ đã viết:
“Trên đất nước nghìn năm chảy máu,
Nghìn năm người con gái vẫn cầm gươm”
Những công chúa “tài sắc vẹn toàn”, từng hy sinh lợi ích bản thân vì dân tộc. Huyền trân, An Tư, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa sống trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, ở hoàn cảnh không giống nhau, nhưng vì lợi ích dân tộc đã sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân.
Huyền Trân công chúa là con gái của vua Trần Nhân Tông, em vua Trần Anh Tông. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đến Chiêm Thành chơi, được vua Chiêm là Chế Mân tiếp đãi rất hậu.
Trước khi trở về Đại Việt, Trần Nhân Tông hứa đem con gái là Huyền Trân gả cho Chế Mân để kết tình thông gia giữa hai nước. Đổi lại, Chế Mân đem đất hai châu Ô và Lý (Quảng Trị và Thừa Thiên ngày nay) làm quà sính lễ.
Cuộc hôn nhân của Huyền Trân bắt đầu như thế. Bấy giờ, Chế Mân đã 83 tuổi. Chỉ một năm sau trở thành “con rể” của Đại Việt, Chế Mân chết. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng lúc bấy giờ theo tục lệ Chiêm Thành, vua chết thì hoàng hậu bị hỏa thiêu theo. Nhà Trần không muốn Huyền Trân bị chết oan khi còn quá trẻ nên đã sai Trần Khắc Chung vào Chiêm Thành tìm cách cứu công chúa. Sau khi trở về Đại Việt, bà xuất gia rồi mất vào năm 1340. Dân chúng quanh vùng thương tiếc, tôn bà là Thần Mẫu và lập đền thờ cạnh chùa Nộm Sơn. Ngày bà mất sau này hàng năm trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế. Huyền Trân chính là công chúa đầu tiên chấp nhận lấy người ngoại quốc để mang lại lợi ích cho hoàng tộc.
Hay An Tư công chúa. Theo Việt sử tiêu tán, bà là con gái út của vua Trần Thái Tông (1218-1277), em gái của Trần Thánh Tông và là cô ruột của Trần Nhân Tông.
Năm 1285, quân Nguyên, dưới sự chỉ huy của Trấn Nam vương Thoát Hoan, tiến đánh Đại Việt lần thứ hai. Trước sự tấn công dồn dập như vũ bão của giặc, Thượng hoàng Trần Thái Tông đã cử người đem thư giảng hòa, nhằm mục đích kéo dài thời gian để củng cố lực lượng. Tuy nhiên, Toa Đô cậy thế mạnh không chấp nhận hòa hoãn, quân Nguyên đổ bộ đánh quân ta trên các mặt trận.
Cuốn sách “ Những công chúa nổi tiếng của các triều đại Việt Nam” đã khắc họa sự đa diện của những nhân cách đa dạng của một số công chúa qua các thời đại
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc! Mời các bạn học sinh và các thầy cô giáo cùng tìm đọc cuốn sách trong thư viện nhà trường nhé!
XÁC NHẬN CỦA BGH
|
CÁN BỘ THƯ VIỆN
Nguyễn Thị Thanh
|