TRƯỜNG THCS LONG BIÊN
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 5/2019
- Thời gian:Ngày 20/ 5 /2019
- Nội dung giới thiệu
Cuốn sách “Cha và con”
- Hình thức giới thiệu
Trong giờ chào cờ thứ 2
- Đối tượng
Toàn thể giáo viên và học sinh trong toàn trường
- Mục đích giới thiệu
Cuốn sách “ Cha và con” khắc họa chân dung Bác Hồ từ khi là cậu bé 10 tuổi đến khi quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Không gian được mở rộng từ Làng Sen, làng Chùa (Nam Đàn-Nghệ An), kinh đô Huế, Phan Thiết nơi cụ thân sinh của Bác dạy học đến Sài Gòn, nơi Nguyễn Tất Thành nhận thức được rằng “Muốn đánh Pháp phải hiểu được Pháp” và lên đường tìm một con đường giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
6. Người giời thiệu:
Lớp 6A4
7. Người viết nội dung
Cán bộ Thư viện: Nguyễn Thị Thanh
8. Thư mục sách
Cha và con: Tiểu thuyết về Bác Hồ và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc/ Hồ Phương .- Tái bản lần thứ 9.- H.: Kim Đồng, 2017.- 376 tr.; 24 cm
Tên thật tác giả: Nguyễn Thế Xương
THƯ VIỆN TRƯỜNG THCS LONG BIÊN
BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 5/2019
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Trong không khí tháng 5 hân hoan mừng sinh nhật Bác: Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc Việt Nam. Hôm nay, thư viện nhà trường xin được trân trọng giới thiệu tới thầy cô giáo và các bạn học sinh cuốn sách “ Cha và con” Tiểu thuyết về Bác Hồ và cụ phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc của nhà văn Hồ Phương.
Khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lòng mỗi người con Việt Nam nói riêng và nhân dân thế giới nói chung đều có chung một cảm xúc đó là sự trân trọng, mến phục. Một con người thật lớn lao, vĩ đại lại rất đỗi giản dị, chân thực - Một con người đã hi sinh cả đời mình cho tự do dân tộc, cho hạnh phúc đồng bào.
Cuốn tiểu thuyết “Cha và Con” của nhà văn Hồ Phương - một cuốn tiểu thuyết viết về Bác Hồ dưới một góc độ hoàn toàn mới. Đây là tác phẩm văn học đầu tiên viết về Bác nhưng lại dành đa số trang viết để miêu tả, khắc họa hình ảnh cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, người cha của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sách được in khổ 16 x 24 cm, dày 375 trang do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2017 của tác giả Hồ Phương. Sách in lần thứ 6. Bìa sách nổi bật với màu xanh nhã nhặn của nền trời, mặt biển trong xanh và màu xanh non mượt mà của thảm cỏ. Nổi bật trên nền xanh ấy là hình ảnh hai cha con đang hướng về nơi xa xăm. Mặt sau của cuốn sách là lời đề từ giãi bày tình cảm và suy nghĩ của nhà văn.
“Cha và con” đã khắc họa chân dung Bác Hồ từ khi là cậu bé 10 tuổi đến khi quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Không gian được mở rộng từ Làng Sen, làng Chùa (Nam Đàn-Nghệ An), kinh đô Huế, Phan Thiết nơi cụ thân sinh của Bác dạy học đến Sài Gòn, nơi Nguyễn Tất Thành nhận thức được rằng “Muốn đánh Pháp phải hiểu được Pháp” và lên đường tìm một con đường giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận một sự thật rằng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc một nhà sĩ phu yêu nước, một người cha đã định hình cho nhân cách Hồ Chí Minh từ cách sống, cách suy nghĩ đến con đường cứu nước từ thuở Hồ Chủ tịch còn thơ. Chính sự định hình này, mà Bác Hồ trở thành một thiên tài của dân tộc, một danh nhân văn hóa của nhân loại.
Tình cảm cha con giữa cụ Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là tình cảm của người cùng lý tưởng và chí hướng hiếm có trong cuộc đời. Những lời dạy bảo đầy yêu thương mà kiên định lập trường “vì nước quên thân” của Cụ đã tiếp thêm sức mạnh cho người con trai trên con đường cứu dân, cứu nước.
Chàng thiếu niên trong cuốn sách Cha và con được miêu tả là một chú bé hiếu động, lanh lợi như mọi đứa trẻ khác thời bấy giờ. Nhà văn Hồ Phương tâm sự: “Tôi cố gắng viết sao cho người đọc không có cảm giác Hồ Chủ Tịch là thần thánh từ khi còn trẻ thơ". Trong cuốn tiểu thuyết, nhà văn còn miêu tả tình bạn trong sáng giữa cậu học trò Nguyễn Tất Thành và Phượng Quý, một bạn gái người Huế. Một chặng đường gian khó trong muôn vàn gian khó mà người đọc thấy được đó là con đường tất yếu để đến được với thành công.
Cuốn sách gồm 6 chương.
Chương 1: Giới thiệu về gia đình và tuổi thơ của cậu bé Côn (tên gọi lúc nhỏ của Chủ Tịch Hồ Chí Minh).
Chương 2: Cậu bé Côn, anh Khiêm theo cha đến Thanh Chương - Nghệ An dạy học.
Chương 3: Hành trình của ba cha con vượt đèo Ngang vào Huế nhận chức.
Chương 4: Kể cho người đọc chứng kiến sự sụp đổ của triều đình Huế.
Chương 5: Chặng đường chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành từ Quy Nhơn vào Bình Khê để từ giã cha, dấn thân vào một cuộc ra đi không hẹn ngày về.
Chương 6: Hành trình thầy giáo Nguyễn Tất Thành dời Phan thiết vào Sài Gòn.
Trong tác phẩm, các nhân vật chính đều là những con người có thực. Để xây dựng thành công các nhân vật trong gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc, tác giả đã có một cái nhìn mới, khám phá mới. Bằng cách viết sáng tạo, tìm tòi, sự cuốn hút rất riêng, sự kết hợp cả hai yếu tố lịch sử và kể chuyện, “Cha và con” chắc hẳn sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
Đọc cuốn sách, chúng ta sẽ hiểu hơn về con người, về quá trình tu dưỡng, rèn luyện và trau dồi tài năng, nhân cách của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời thấy được tâm huyết và tình cảm kính yêu chân thành, trong sáng của nhà văn dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xin mời thầy, cô giáo và các bạn học sinh tìm đọc cuốn sách từ số đăng kí: TK2.782-TK2. 784 tại thư viện nhà trường nhé.
XÁC NHẬN CỦA BGH
Hoàng Thị Tuyết
|
CÁN BỘ THƯ VIỆN
Nguyễn Thị Thanh
|