Sau khi nghe tin thầy Văn Như Cương mất, tôi thấy mẹ lặng lẽ khóc. Mẹ tôi cũng từng là giáo viên dạy toán, giờ đã về hưu. Bà rất thích đọc những bài viết về người thầy vĩ đại của mình – thầy Văn Như Cương. Bà kể, ngày mới vào học trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bà chưa thực sự yêu thích ngành Toán bởi đó là môn học về những con số khô khan. Nhưng sau mỗi giờ lên giảng đường, mỗi lần lắng nghe thầy Cương giảng bài bà như được truyền thêm cảm hứng, tiếp thêm sức mạnh để theo đuổi nghề cầm phấn. Với bà, thầy là tấm gương “người tốt, việc tốt” sáng ngời để biết bao thế hệ học trò noi theo.
Tôi từng nghe bà kể, thầy Cương không chỉ giỏi Toán mà còn được biết đến với tài văn chương, nói chuyện dí dỏm và có khả năng "truyền lửa" cho học trò. Sinh ra trong gia đình làm nghề dạy chữ Hán tại làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An), mẹ bảo từ nhỏ thầy Cương đã ham học và học giỏi. Tốt nghiệp phổ thông năm 1954, thầy ra Hà Nội học khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội và được giữ làm cán bộ giảng dạy.
Chỉ một thời gian ở Hà Nội, theo lời kêu gọi của giáo sư Nguyễn Thúc Hào, thầy cùng thầy Hào vào xây dựng Đại học Sư phạm Vinh (Nghệ An). Sau đó, thầy Cương được cử đi học chương trình nghiên cứu sinh ngành Toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ). Bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971, thầy Cương trở về giảng dạy ở tổ Hình học, Khoa Toán, Đại học Sư phạm Vinh, sau đó lại về Đại học Sư phạm Hà Nội. Khi thầy giảng dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội cũng là lúc mẹ tôi – một sinh viên như biết bao người cùng thế hệ đào tạo được thầy dẫn dắt…
Ngoài công việc chuyên môn, thầy Văn Như Cương tham gia viết sách, dịch sách. Năm 1975, thầy đã dịch cuốn "Đối thoại về toán học"; năm 1987 cùng với GS Hoàng Xuân Sính, Đoàn Quỳnh biên soạn cuốn "Đại số tuyến tính và hình học". Thầy cũng chủ biên hơn 60 đầu sách sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học.
Với mong muốn thay đổi nền giáo dục đang trì trệ bởi cung cách dạy và học từ thời bao cấp, thầy Cương nghĩ "phải có loại trường khác với trường công lập" nên làm đơn xin thành lập Trường Dân lập Lương Thế Vinh năm 1989. Được các cơ quan chức năng ủng hộ, trường phổ thông dân lập đầu tiên tại Việt Nam ra đời, mang tên nhà toán học nổi tiếng Lương Thế Vinh. Có thể nói, đây cũng là điều khiến mẹ tôi tâm đắc nhất về thầy. Bởi, thay đổi nền giáo dục đã lạc hậu là sự mong mỏi của biết bao thế hệ làm trong ngành nhưng không phải ai cũng tạo nên bước ngoặt lịch sử như thầy. Trong suốt quãng thời gian đi dạy cho đến khi về hưu, mẹ tôi vẫn luôn dõi theo sự phát triển, tiến bước của ngôi trường do người thầy mình yêu quý sáng lập. Đó là niềm tự hào rất đỗi giản dị và thiêng liêng trong trái tim mẹ.
Có lần, tôi tình cờ tìm thấy cuốn lưu bút thời sinh viên của mẹ. Tôi ấn tượng mãi với lời thơ về chuyên ngành toán:
Em cắm hoa tươi đặt cạnh bàn
Mong rằng toán học bớt khô khan
Em ơi trong toán nhiều công thức
Đẹp tựa như hoa lại chẳng tàn.
Để rồi mãi sau này tôi mới biết đó chính là thơ thầy viết. Quả thật, thầy là một người đa tài, đáng khâm phục. Dù chưa từng trực tiếp nghe thầy giảng bài nhưng tôi đã vô cùng cảm động khi đọc được bài viết về những lời phát biểu ngắn gọn, hàm súc nhiều ý nghĩa trong lễ khai giảng của thầy:
Năm 2013, thầy đã "xin các bậc làm cha làm mẹ hãy thận trọng và bình tĩnh khi nhận xét, đánh giá con cái mình".
Theo thầy, một số vị luôn cho rằng con mình cái gì cũng nhất: xinh đẹp, thông minh, tài năng, trí tuệ…, họ tâng bốc con và làm cho con cũng cảm thấy hơn người. Một số khác thì luôn buồn bực, chì chiết thậm chí mạt sát con, xem nó là thứ vứt đi, khó dạy khó bảo. Thực tế, mỗi đưa trẻ đều có điểm mạnh, yếu. Nghệ thuật làm cha mẹ là biết cách khuyến khích, nhưng không đề cao quá đáng điểm mạnh của con, khắc phục mà không vùi dập điểm yếu của nó.
"Một đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc một đứa trẻ tự ti, sợ hãi không phải là mục tiêu giáo dục của chúng ta", thầy nói và "xin phụ huynh đừng quá nuông chiều đến mức thỏa mãn mọi đòi hỏi của con. Hãy nhớ rằng con cái luôn luôn được voi đòi tiên". Thầy cũng "xin các vị đừng thương các con đến mức không để chúng đụng tay đụng chân làm bất kỳ việc gì, mà dành toàn bộ thời gian cho chúng dùi mài kinh sử. Vì như vậy sẽ có những đứa trẻ không bao giờ biết làm việc, kể cả việc đơn giản. Lớn lên chắc chắn chúng sẽ thành kẻ lười biếng".
"Hãy dạy con chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người. Lòng thương người, tính đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mỗi con người nên có. Và hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với các thế giới có thật xung quanh, đang diễn ra hàng ngày… để chúng đừng đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng", thầy Cương căn dặn.
Năm 2014, cũng trong lễ khai giảng, thầy nhắn nhủ học sinh phải biết "yêu núi cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển bạc, yêu đất liền và đảo xa". Thầy cho rằng một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc cát ở Trường Sa, hay Hoàng Sa đều do ông cha ta để lại, đều không thể mất… Vì vậy, hãy yêu mến nhân dân mình, gần gũi nhất là yêu gia đình mình, yêu bạn bè, thầy cô.
Mùa khai giảng cuối cùng trước khi vĩnh viễn trở về đất mẹ, thầy Văn Như Cương căn dặn học trò: "Mỗi người đều có thời gian sống rất hữu hạn. Nếu họ mắc phải bệnh lười biếng thì khoảng thời gian sống đó càng trở nên ngắn ngủi". Thầy giới thiệu phương pháp Kaizen để chữa bệnh lười. Mỗi ngày học sinh chỉ cần bỏ ra một phút để chống tay hít đất mười cái, hoặc học một từ tiếng Anh cùng với một số câu có chứa từ đó, hoặc làm một vài bài toán đơn giản.
"Ngày nào cũng phải làm việc ấy đúng một phút, từ đó các em sẽ cảm thấy bị lôi cuốn và đó là khi em đạt được bước đầu thành công trong quá trình vượt qua sự lười biếng... Từ đây em có thể bổ sung một số công việc bổ ích khác. Hãy nhớ công việc gì có thể làm hôm nay thì đừng để đến ngày mai", thầy nhắn nhủ.
Lời thầy dạy dỗ học trò về cách làm người vẫn đây…Vậy mà, hôm nay, thầy đã ra đi, để lại tiếc thương cho bao thế hệ học trò về người thầy xứ Nghệ suốt đời cặm cụi chở những chuyến đò sang sông.
Mẹ tôi thở dài, bà nhẹ nhàng giở lại cuốn lưu bút cũ rồi lấy điện thoại. Bà gọi báo tin cho những người bạn từng học cùng khoa để đến tiễn đưa thầy về nơi an nghỉ cuối cùng với nỗi tiếc thương vô bờ bến.