Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh trưng xanh.
Năm mới là thời điểm cho những sự bắt đầu mới, tất cả mọi người đều mong muốn những ngày đầu tiên trôi qua thật suôn sẻ, thuận lợi và vui vẻ với quan niệm như vậy sẽ là khởi đầu cho một năm thuận buồm xuôi gió. Nhân dịp năm mới Quý Mão 2023 xin kính chúc tất cả mọi người một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.
Tết là thời điểm mọi người trong gia đình quây quần sum vầy bên nhau, cùng nhau cùng nhau đón chào khoảnh khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, cầu chúc những điều tốt đẹp, hạnh phúc sẽ tới trong năm mới. Hoà trong không khí ngày cận Tết tiết trời se se lạnh với những đợt mưa xuân làm cho đất trời như chuyển mình chuẩn bị khoác lên bộ áo mới tươi trẻ trong veo, mọi người nô nức đi sắm Tết. Trên khắp những con phố, nẻo đường không khó để thấy những cây đào cây mai được bày bán ngoài đường đang hé nụ chuẩn bị nở ra những bông hoa rực rỡ để chào đón năm mới hay những cây quất, cây bưởi sai trĩu lộc được uốn thế vô cùng đẹp mắt. Nếu có lỡ lạc vào phiên chợ hoa ngày Tết thì chẳng khác nào đang đi vào lễ hội của những màu sắc và hương thơm, những chậu hoa rực rỡ đủ sắc màu đủ các loại hoa đang thi nhau khoe hương sắc, nào cúc, nào lay, nào hoa ly, hoa hồng,…được bày bán khắp mọi nơi làm rực sáng cả khu chợ. Những bộ quần áo mới, những chiếc váy xinh xẻo hay những đôi giày thời trang cũng là một phần không thể thiếu để mặc trong dịp tết, mọi người xúng xính diện những bộ áo dài, những bộ váy mới lộng lẫy sắc màu đi chúc Tết năm mới cũng có thể coi là một nét đẹp đặc trưng ta có thể bắt gặp trong dịp lễ quan trọng này.
Một trong những nét đẹp trong văn hoá truyền thống của dân tộc ta có từ ngàn đời nay vào mỗi dịp lễ Tết là tục gói bánh chưng, bánh giầy ngày Tết. Chẳng lấy làm lạ hình ảnh cả gia đình quây quần gói bánh chưng và cùng nhau thức đêm để trông coi nồi nước luộc, đây cũng là khoảng thời gian vui vẻ, hạnh phúc mà mọi người trong gia đình dành cho nhau sau một năm bận rộn vất vả trong những giây phút sum vầy. Bên cạnh đó, việc gói bánh chưng, bánh giầy để cúng lễ tổ tiên chính là việc làm nhằm duy trì và phát huy truyền thống quan niệm nhân sinh trong quan hệ đạo lý ở đời “ ăn quả nhớ kẻ trồng cây” cùng với tình thân,tình làng nghĩa xóm. Tục gói bánh chưng, bánh giầy ngày Tết của người Việt được bắt nguồn từ thời Vua Hùng, gắn liền với sự tích lên ngôi của vị hoàng tử thứ 18 tên Lang Liêu. Truyền thuyết kể lại rằng, vua Hùng muốn tìm người nối dõi nên ban lệnh trong dịp đầu năm mới, nếu trong các vị hoàng tử ai dâng lên nhà Vua được một món quà mà nhà Vua ưng ý thì sẽ được truyền ngôi. Trong tất cả những hoàng tử, chỉ có Lang Liêu – vị hoàng tử mất mẹ từ rất sớm là có món quà mà nhà vua ưng ý. Đó chính làm món bánh chưng xanh, bánh giầy trắng mà vẫn còn được lưu truyền cho đến ngày nay.Lang Liêu có thể dâng lên một món quà tuy rất bình dị nhưng nhận được sự hài lòng của nhàVua là vì sự giúp đỡ của một vị thần đã báo mộng cho chàng. Lang Liêu dùng hạt ngọc của trời ( gạo ) giả nát nặn thành hình dạng vuông tròn của bánh chưng và bánh giầy, tượng trưng cho đất và trời. Bánh chưng và bánh giầy tượng trưng cho triết lí vuông tròn của người Việt nói riêng và triết lí Âm dương nói chung. Bánh giầy tượng trưng cho trời, màu trắng, hình tròn, nhỏ gọn trong lòng bàn tay, được nặn thành 2 nữa hình vòng cung rất đẹp, bên trên và dưới đều có 2 miếng lá chuối đậy lên. Bánh chưng thì có màu xanh, được gói theo hình vuông lớn, tượng trưng cho đất, còn bánh giày hình tròn tượng trưng cho trời. Sự kết hợp của bánh chưng xanh và bánh giầy tượng trưng cho sự kết hợp và gắn kết của đất trời. Hơn hết, người Việt Nam gắn liền với văn hóa lúa nước, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thiên nhiên, trong đó đất trời là yếu tố quyết định. Chính vì lẽ đó, người ta chọn dâng bánh chưng xanh và bánh giầy vào ngày Tết để thể hiện lòng biết ơn trời đất thương tình, tạo điều kiện mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc.
Bên cạnh truyền thống gói bánh chưng ngày Tết thì trước 3 ngày Tết, thông thường là khoảng sau 20 Tết, người ta bắt đầu dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón Tết. Trước hết là việc tiễn ông táo về chầu trời ngày 23 , sau đó là chuẩn bị tục lệ gói bánh chưng bánh giầy cúng ông bà, cúng cơm Tất niên và nhiều tục lệ đón Tết khác nữa. Trước Tết, thông thường người ta sẽ dọn dẹp, trang hoàng lại bàn thờ tổ tiên trong gia đình. Sắp xếp và sắm sửa thêm cái vật phẩm thờ cúng linh thiêng. Đây là một truyền thống thể hiện long hiếu thảo, biết ơn của con cháu đối với tổ tiên của mình.
Phong tục chúc Tết là việc không thể thiếu với người Việt. Mọi người sẽ gửi nhau lời chúc Tết hay để mong một năm mới sung túc hơn. Phong tục chúc Tết của người việt được tóm gọn thông qua câu nói: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Không ai biết được nguồn gốc cụ thể phong tục chúc Tết bắt đầu từ đâu. Tuy nhiên Tết là thời điểm chúng ta đón chào một năm mới và tạm biệt năm cũ, hay còn gọi là khoảnh khắc giao mùa, đất trời dường như cũng đổi khác. Một năm mới với nhiều khởi đầu mới, ai cũng có những ước mơ, hoài bão riêng. Tất cả đều mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến trong năm tiếp theo. Chính vì thế mà phong tục chúc Tết những ngày đầu năm được hình thành. Họ trao nhau những lời chúc hay để mong bạn bè, người thân cũng đạt những ý nguyện của riêng mình. Đây là truyền thống cao đẹp của người Việt Nam vào những ngày Tết và được lưu truyền từ ngàn đời nay. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác và cứ thế họ trao nhau những lời chúc đẹp nhất và những bao lì xì đỏ với ý mong cầu chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc cho mọi người. Theo đó cả người nhận và người tặng phong bao đều nhận những điều tốt đẹp trong năm mới.
Năm mới Quý Mão 2023 sắp tới gần, khoảnh khắc giao thoa giữa năm mới và năm cũ là lúc nhìn lại một năm 2022 đã qua với những khó khan, thăng trầm, những thành quả đã đạt được và đặt ra những mục tiêu, dự định cho năm tới. Nhân dịp năm mới xin kính chúc tất cả mọi người một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý, hạnh phúc yên vui bên gia đình.