Văn học là một môn quan trọng đối với cấp THCS nói riêng và mỗi người học sinh nói chung. Thơ văn không chỉ là niềm vui, nỗi buồn của đời sống nội tâm con người, mà còn là thứ vũ khí sắc bén để đấu tranh về mặt tư tưởng trong mọi thời đại.Văn chương khơi gợi những tình cảm cao đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn con người. Văn chương làm phong phú thêm đời sống tình cảm con người. Thật đáng buồn nếu con người Việt Nam hiện đại giỏi về kiến thức tự nhiên, xã hội mà lại thiếu một trái tim biết yêu cái đẹp và giàu lòng yêu thương. Nhưng làm thế nào để học văn thật tốt, đó lại là một câu hỏi cần được giải đáp. Dưới đây là một số chia sẻ về phương pháp, hy vọng sẽ giúp đỡ các bạn học sinh tháo gỡ những thắc mắc để học tốt môn Ngữ Văn.
* Đối với phần văn bản:
I. Trước khi học (Chuẩn bị ở nhà)
1. Đọc kỹ văn bản và phần chú thích
– Đọc có suy nghĩ để chia bố cục bằng bút chì vào SGK.
– Khi đọc có thể gạch dưới từ ngữ, câu trong văn bản (nếu thấy cần).
– Nếu có điều kiện, các bạn nên tìm đọc trọn tác phẩm có đoạn trích học ở trên lớp.
2. Tóm tắt truyện (nắm cốt truyện, nhớ tên nhân vật, địa danh…)
3. Trả lời những câu hỏi phần “Đọc – hiểu văn bản” vào tập bài soạn theo khả năng của mình.
4. Đối với thơ: nên thuộc bài thơ trước khi đến lớp thì mới có thể phân tích cảm thụ.
II. Khi học trên lớp
1.Tập trung nghe giảng cùng các bạn tìm hiểu cảm nhận cái hay, cái đẹp của tác phẩm dưới sự dẫn dắt của thầy cô. Cụ thể là:
– Trước những câu hỏi, những vấn đề được đặt ra, phải chịu khó suy nghĩ, tìm câu trả lời.
– Tích cực tham gia hoạt động nhóm phát biểu ý kiến. Điều đó không chỉ giúp các bạn trau dồi vốn ngôn ngữ mà còn rèn luyện kỹ năng nói và sự tự tin.
– Mạnh dạn nêu những thắc mắc của bản thân.
2. Ghi chép bài đầy đủ, chính xác
– Ngoài phần thầy cô ghi bảng các bạn học sinh nên tập cho mình thói quen ghi chép thêm vào sổ tay những điều hay thấy cần chẳng hạn ý so sánh, đối chiếu, mở rộng nâng cao, lời bình của thầy cô…
– Gạch dưới (kèm ghi chú ngắn) từ ngữ đặc sắc, phép tu từ… trong thơ, câu văn hay dẫn chứng trong truyện.
3. Nắm được giá trị nghệ thuật nội dung của tác phẩm ngay trong giờ học.
III. Sau khi học
1. Học bài, học thuộc lòng thơ, dẫn chứng trong truyện.
2. Xây dựng các sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức bài học, nhằm làm cho kiến thức môn học vừa ngắn gọn, dễ hiểu vừa sinh động, hấp dẫn.
2. Viết các đoạn văn cảm nhận, làm các bài tập trong phần “Luyện tập” trong sách hoặc bài tập của thầy cô.
3. Đọc tài liệu tham khảo để mở rộng, khắc sâu kiến thức.
4. Các bạn giỏi môn văn nên tìm và học thuộc nhận định, đánh giá của những nhà nghiên cứu, phê bình văn học hoặc các tác phẩm, tác giả vừa học trên lớp.
* Đối với phân môn Tiếng Việt
1. Đọc kỹ, tìm hiểu các ví dụ trong từng đề mục, có thể trả lời câu hỏi bằng bút chì vào sách giáo khoa theo cách hiểu của mình (soạn bài ngắn gọn), không phụ thuộc vào sách “Học tốt”.
2. Đọc kỹ ghi nhớ, ghi chú ngoài lề phần khó hiểu, thắc mắc của mình để vào lớp thảo luận và lắng nghe thầy cô giảng giải.
* Đối với phân môn Tập làm văn
Cần làm theo các bước sau:
1. Tìm hiểu đề (để tránh lạc đề)
– Đọc kỹ đề, gạch chân từ ngữ quan trọng.
– Xác định thể loại (VD: kể chuyện, thuyết minh, nghị luận…)
– Xác định nội dung
2. Tìm ý (đặt câu hỏi và trả lời)
– Tìm ý chính, ý phụ, ý lớn, ý nhỏ.
– Ý nào đứng trước, ý nào đứng sau.
3. Lập dàn bài
Tác dụng:
– Sắp xếp các ý theo trình tự trước sau hợp lý.
– Không thừa, thiếu ý.
– Xác định được phần trọng tâm (viết dài), phần không trọng tâm (viết ngắn).
Các loại dàn bài:
– Dàn ý đại cương (chỉ có các ý chính)
– Dàn bài chi tiết (có cả ý lớn và ý nhỏ)
Lưu ý: bài tập làm văn gồm nhiều đoạn
– Mở bài ngắn gọn (từ 1 đến 5 câu)
– Thân bài gồm nhiều đoạn văn, mỗi đoạn triển khai một ý chính.
– Kết bài rút ra bài học, phát biểu cảm nghĩ cần tự nhiên chân thành, tránh hô khẩu hiệu, liên hệ gượng ép, khiên cưỡng.
4. Viết bài:
– Dùng từ ngữ khai triển các ý trong bài.
– Dùng từ chính xác, viết câu đúng ngữ pháp.
– Tách đoạn hợp lý, có liên kết câu và liên kết đoạn văn để bài văn rõ ràng chặt chẽ.
5. Sau khi làm bài:
– Đọc lại bài văn.
– Sửa lỗi chính tả, lỗi dùng từ, lỗi viết câu.
– Nếu thiếu sót thì bổ sung ở lề trái.
Để viết bài tốt học sinh cần chú ý các điểm sau:
Nắm chắc phương pháp để viết bài văn theo trình tự nào. Bên cạnh đó, em cần suy nghĩ tìm tòi, huy động những kiến thức đã học liên quan đến nội dung đề. Hơn thế nữa, suy nghĩ sáng tạo của cá nhân là quan trọng nhất. Không nên lệ thuộc bài văn mẫu một cách rập khuôn máy móc. Bởi vì quá trình tiếp nhận văn học là em tiếp nhận những tri thức, cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Cho nên khi em diễn đạt thì ngoài yếu tố câu cú, ngữ pháp, lời văn phải trong sáng còn yêu cầu là thể hiện tình cảm của người viết. Chúng ta cần phải trân trọng và đánh giá cao vai trò sáng tạo trong tiếp nhận của học sinh. Em hãy mạnh dạn nêu những suy nghĩ, ý kiến, những cảm nhận của cá nhân mình, có thể những ý kiến đó chưa hay, chưa đúng nhưng sẽ được thầy cô giáo dạy văn định hướng và từ đó em lại tiếp tục bày tỏ ý kiến cá nhân trên cơ sở định hướng thẩm mỹ của thầy cô. Theo ý kiến riêng của cô là khi các em viết một bài văn cũng là các em đang sáng tạo, cũng có nhu cầu bộc lộ bản thân mình. Vậy thì các em nên dựa trên những định hướng về nội dung, về kiểu bài, để có những sáng tạo nho nhỏ của chính mình, và mình trân trọng những sáng tạo của riêng mình. Lâu dần các em sẽ viết văn tốt, tự tin, và đến với môn văn một cách nhẹ nhàng, thoải mái, thú vị hơn.
* Lưu ý: Đối với những bạn học sinh mà khả năng phân tích, cảm thụ chưa tốt hãy tích cực trao đổi với bạn bè cùng lớp, không giấu dốt hoặc trao đổi trực tiếp với thầy cô. Hãy lựa chọn những dạng bài vừa sức, tăng cường quá trình tự học để lĩnh hội kiến thức. Nếu chỉ tiếp thu một cách thụ động, không chịu khó rèn luyện thì các bạn sẽ chẳng khác gì “con rùa đứng yên một chỗ”.
Trên đây là những phương pháp cơ bản để học tốt môn Ngữ Văn, nó sẽ giúp các bạn phần nào trong việc tiếp thu bài và thu nhận kiến thức của môn văn, chúc các bạn học tập thật tốt!