Bàn tay nặn bột là một chiến lược về giáo dục khoa học, được Giáo sư Georger Charpak (người Pháp) sáng tạo ra và phát triển từ năm 1995 dựa trên cơ sở khoa học của sự tìm tòi – nghiên cứu, cho phép đáp ứng những yêu cầu dạy học mới. Phương pháp "Bàn tay nặn bột" đã được vận dụng, phát triển và có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở Pháp mà còn ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới
Phương pháp Bàn tay nặn bột là một phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm tìm tòi- nghiên cứu, áp dụng cho việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên.Bàn tay nặn bột chú trọng đến việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm tìm tòi nghiên cứu để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra...
Cũng như các phương pháp dạy học tích cực khác, Bàn tay nặn bột luôn coi học sinh là trung tâm của quá trình nhận thức, chính các em là người tìm ra câu trả lời và lĩnh hội kiến thức dưới sự giúp đỡ của giáo viên.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng phương pháp “ Bàn tay nặn bột” trong nhà trường, chính vì vậy Phòng giáo dục và đào tạo Quận Long Biên đã tổ chức chuyên đề Hóa học nhằm triển khai phương pháp dạy học mới này đến với các giáo viên trong toàn quận, tiết dạy được thực hiện tại trường THCS Long Biên trong tháng3 năm 2018. Đồng chí Đào Thị Thanh Mai đã thực hiện tiết dạy chuyên đề nàytại lớp 8B với Tiết 55- Bài 36:Nước.
Với sự dẫn dắt nhẹ nhàng, giọng nói truyền cảm, cô giáo đã đưa học sinh đến với một tiết học vô cùng ấn tượng, hấp dẫn vì thế cho nên trên gương mặt của các bạn học sinh lớp 8Bluôn thể hiện rõ sự háo hức, phấn khởi qua từng phần của bài học. Tiết học vinh hạnh có sự góp mặt của cô Đào Thị Hoa- Phó Phòng giáo dục và đào tạo, thầy Nguyễn Ngọc Sơn – chuyên viên Phòng Giáo dục Quận và các vị lãnh đạo nhà trường cùng các thầy cô dạy môn Hóa của các trường THCS trong Quận về tham dự với một tinh thần hứng khởi, ham học hỏi.
(Lãnh đạo và giáo viên trong Quận)
Mở đầu cho tiết học, các bạn học sinh được xem một đoạn viđêo đề cập tới vai trò của nước, thực trạng nguồn nước hiện nay và tính chất của nước và phát hiện kiến thức trong đó:
Qua phần khởi động để dẫn vào bài, cô giáo tiếp tục dẫn dắt các em học sinh hoạt động cá nhân để nêu ra tính chất vật lí, hóa học của nước.Học sinh được quan sát sự chuyển màu của giấy quỳ tím để rút ra tác dụng của nó.
Sau đó giáo viên phát dụng cụ và hóa chất cho các nhóm tiến hành các thí nghiệm.
Tiếp theo giáo viên đề xuất nghiên cứu tính chất hóa học của nước và đưa ra các dự đoán thí nghiệm, sau đó cho học sinh tiến hành thảo luận sôi nổi, hào hứng.Saukhi bàn bạc xong đại diện của 4 nhóm lần lượt trình bày, thông qua đó các em được rèn luyện sự tự tin khi nói trước đám đông.Chính trong quá trình trao đổi này, thầy – trò đã có những suy luận theo hướng mới, biến giờ học trở thành một cuộc thi tìm kiếm chân lí khoa học đầy bổ ích và vui vẻ.
Và điều thú vị hơn cả, là từ phần gợi ý, dẫn dắtcủa giáo viên, học sinh đã chủ động tự hệ thống hóa được kiến thức đã học ghi vào bảng nhóm, điều này đã góp phần phát huy được năng lực toàn diện của học sinh một cách tối đa.
Trong bầu không khí sôi nổi đó, cả giáo viên và học sinh đều cảm thấy say sưa với giờ học.Học sinh gần như đã làm chủ hoàn toàn tiết học, các em được chủ động, được thể hiện khả năng và kiến thức của mình. Qua đó ta thấy rằng tiết học phương pháp “Bàn tay nặn bột” trong giờ học này đã rất thành công vì đã tạo nên tính tò mò, ham muốn khám phá và say mê khoa học của học sinh. Ngoài việc chú trọng đến kiến thức khoa học, phương pháp này còn chú ý nhiều đến việc rèn luyện kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết cho học sinh.
Qua đây có thể thấy,tiến trình tìm tòi nghiên cứu của học sinh không phải là một đường thẳng đơn giản mà là một quá trình phức tạp. Học sinh tiếp cận vấn đề đặt ra qua tình huống (câu hỏi lớn của bài học); nêu các giả thuyết, các nhận định ban đầu của mình, đề xuất và tiến hành các thí nghiệm nghiên cứu; đối chiếu các nhận định (giả thuyết đặt ra ban đầu); đối chiếu cách làm thí nghiệm và kết quả với các nhóm khác; nếu không phù hợp học sinh phải quay lại điểm xuất phát, tiến hành lại các thí nghiệm như đề xuất của các nhóm khác để kiểm chứng; rút ra kết luận và giải thích cho vấn đề đặt ra ban đầu. Trong quá trình này, học sinh luôn luôn phải động não, trao đổi với các học sinh khác trong nhóm, trong lớp, hoạt động tích cực để tìm ra kiến thức.
Việc xác định kiến thức khoa học phù hợp với học sinh theo độ tuổi là một vấn đề quan trọng đối với giáo viên. Điều đó cho thấy rằng người giáo viên mà ở đây, mà đại diện là đồng chí Đào Thị Thanh Mai đã có sự chuẩn bị thật chu đáo, công phu, có sự vững vàng trong việc xác định kiến thức, lựa chọn thí nghiệm để học sinh tiến hành giờ dạy đạt được kết quả tốt nhất.
Môn Hóa đã trở nên hấp dẫn hơn không chỉ được truyền đạt bằng những kiến thức qua bài giảng của cô mà từ chính bằng hoạt động học của các em,dường như những kiến thức của thầy cô thấm vào các em rồi biến thành kiến thức của các em. Với sự quyết tâm và nỗ lực hết mình, cô giáo Mai với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu đã phối hợp với các thầy cô trong toàn trường THCS Long Biên để tạo nên một tiết học thành công, mang lại niềm tự hào cho ngôi trường Long Biên nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng.
( Đ/c Hoàng Thị Tuyết- Phó hiệu trưởng nhà trường tặng hoa cho cô giáo Mai)
( Đ/c Nguyễn Ngọc Sơn- Chuyên viên phòng giáo dục tặng quà cho cô giáo Mai)
Có thể nói, tiết học chuyên đề hôm nay đã được lãnh đạo và giáo viên trong Quận đánh giá cao, bởi sau giờ học hôm nay, các em học sinh đã học hỏi được nhiều điều bổ ích vào hành trang kiến thức của bản thân mình đồng thời các em cũng trở nên tự tin hơn về kĩ năng thuyết trình cũng như kĩ năng thực hành thí nghiệm của bản thân.