Thực trạng về ô nhiễm rác thải nhựa – “ô nhiễm trắng” hiện nay đã lên đến mức báo động. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra - con số đó gần bằng trọng lượng dân số toàn cầu và ngày càng gia tăng theo cấp số nhân. Hành tinh xanh của chúng ta đang phải đối mặt với khoảng 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên bề mặt. Còn ở Việt Nam, mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó lượng rác thải nhựa đổ ra biển là 730 nghìn tấn. Trung bình mỗi ngày, Việt Nam có khoảng 80 nghìn tấn rác thải nhựa được đưa ra môi trường. Với con số này, Việt Nam đang xếp thứ 4 thế giới về xả rác thải nhựa, và là 1 trong 5 quốc gia phải chịu trách nhiệm về ô nhiễm rác thải nhựa trên đại dương xanh.
Cuộc chiến chống rác thải nhựa đã diễn ra khắp các châu lục, các quốc gia trên thế giới. Nghị Viện Châu Âu vừa thông qua Luật cấm đồ nhựa dùng 1 lần. Các phong trào “Nói không với rác thải nhựa”, các chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”... đã lôi cuốn nhiều tầng lớp nhân dân tham gia.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ "Toàn xã hội chung tay hành động chống rác thải nhựa vì một Việt Nam trong lành, phát triển bền vững". Nhằm từng bước giáo dục thói quen tiêu dùng xanh tại các trường học, xây dựng ý thức và định hướng cho các em học sinh giảm thiểu, hạn chế, từ chối nhựa sử dụng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, Liên đội định hướng học sinh toàn trường thực hiện không sử dụng túi ni lông, cốc, ống hút nhựa,… mà tập hình thành thói quen sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường như: túi vải, túi giấy, cốc bã mía, ống hút giấy, ống bột gạo,… Cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đi đầu, gương mẫu trong việc nói không với túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Thông qua tiết dạy ngoại khóa và tiết chào cờ đầu tuần nhà trường đã tuyên truyền đến mỗi học sinh về việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường qua việc hạn chế, giảm thiểu sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần và thực hiện tốt các biện pháp hạn chế rác thải nhựa. Mỗi em học sinh cần thực hiện thu gom, phân loại rác thải, phân biệt được đâu là rác hữu cơ để có xử lý phù hợp. Các em học sinh đồng thời cũng là những tuyên truyền viên tích cực đến gia đình xã hội trong việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, túi lilon, để góp phần bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp.
Từ nhận thức dẫn đến hành động, dù chỉ là những hành động rất nhỏ, nhưng trong tương lai, điều này sẽ mang lại những thay đổi lớn hơn trong nhận thức về sử dụng các sản phẩm từ nhựa và nilon của tất cả mọi người. Chúng ta cùng tin rằng những hành động có ý nghĩa đó không chỉ bó hẹp trong trường học, mà sẽ lan tỏa tới từng gia đình của tất cả cán bộ,giáo viên, công nhân viên và học sinh trong nhà trường và trong tương lai sẽ lan tỏa tới toàn xã hội.