Sinh năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn gay go, ác liệt nhất. Cô sớm chịu nhiều thiệt thòi. Gia cảnh bần hàn, cha lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc cũng vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường miền Nam để lại người vợ trẻ với hai con thơ dại.
Vừa là mẹ, vừa là cha, bà Hoàng Thị Đức - mẹ cô đã từng ngày nuôi nấng và dạy dỗ hai anh em cô khôn lớn. Thương me, ý thức được hoàn cảnh gia đình vì vậy ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, cô luôn phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi. Và cô đã không ít lần được các thầy cô giáo nêu gương sáng cho các bạn trong lớp, trong trường noi theo.
Tốt nghiệp trường Trung cấp Sư phạm, cô trở thành một cô giáo, một “người mẹ” của những mầm non đất nước. Được sự phân công của cấp trên về công tác tại một trường Tiểu học trong huyện Gia Lâm, với lòng yêu nghề, mến trẻ, cô đã đem hết nhiệt tình và kiến thức mình trang bị được để truyền đạt lại cho các em. Được sự dìu dắt, tận tình của cô, nhiều lứa học trò đã tiến bộ nhanh chóng.
Không chỉ bằng lòng với trình độ học vấn của mình, cô đã vượt qua những vất vả của một người mẹ trẻ nâng cao trình độ của mình với việc theo học khoa Văn của trường CĐ sư phạm Hà Nội, tiếp đến Đại học Sư phạm. Để rồi, cô được đền đáp xứng đáng là tấm bằng tốt nghiệp loại Giỏi.
Từ khi được phân công giảng dạy môn Văn tại trường THCS Long Biên, cô lại càng hào hứng, không ngừng phấn đấu cho chuyên môn. Bởi lẽ, nơi đây chính lá mảnh đất cô đã lớn lên, mảnh đất đã nuôi dưỡng ước mơ của cô thành sự thật. Cô từng tâm sự “Mong ước lớn nhất là dùng chính những kiến thức mình được đào tạo để truyền đạt lại cho các thế hệ học trò, đặc biệt là học sinh Long Biên. Các em đó không chỉ là học sinh, mà đó còn là con, là cháu, là người thân của mình nữa”. Cũng xuất phát từ chính suy nghĩ đó mà dù một nách hai con nhỏ, chồng đi làm xa, cô vẫn sắp xếp được công việc để rồi mỗi khi đêm về, con đã say giấc nồng thì một mình miệt mài bên những trang giáo chuẩn bị cho tiết dạy ngày mai.
Có thời kì, nhà cách trường gần 20km, đường xá thì thường xuyên tắc nghẽn, cách sông, cách đò song cô luôn đảm bảo ngày giờ công ở mức cao. Có học sinh cũ ra trường đã lâu khi quay về thăm trường kể lại : “Năm đó chúng em học lớp 9, lớp nhiều con trai nên rất nghịch. Nhiều bạn trong lớp gia cảnh khó khăn, bố hoặc mẹ mất sớm, không có ai dạy bảo, thường xuyên bỏ học trốn tiết, đánh nhau. Cô giáo chủ nhiệm lại về hưu. Ban giám hiệu lúc đó cũng rất đau đầu không biết tìm ai thay thế. Lúc đó đội ngũ giáo viên của trường còn mòng lắm. Đã vậy, cô thì sắp đến tuổi về hưu, cô thì lại nghỉ sinh con. Còn mỗi cô Lý thì con nhỏ, mẹ già đau ốm. không biết cô có cáng đáng nổi không?. Nhưng rồi cuối cùng, thầy hiệu trưởng vào lớp thong báo “cô Lý tình nguyện vào chủ nhiệm và dạy thay”. Cho đến bây giờ, em cũng như các bạn trong lớp rất cám ơn quyết định lúc đó của cô. Có lẽ, cô cũng phải chịu hoàn cảnh tương tự nên cô rất thấu hiểu chúng em. Và rồi từng bước cô cảm hoá từng người, từng người một. Từ những học sinh ham chơi, lười học, bất cần đời trở thành những học trò chịu khó nghe lời đi học đúng giờ và chăm chú nghe giảng. Những tiết Văn của cô, chúng em không chỉ được học tập, mở mang kiến thức, mà chúng em còn được cô dạy bảo cách làm người. Những trang lứa được cô dạy dỗ, ai cũng thành đạt hết rồi và luôn biết ơn công lao cô đã dày công vun đắp. Đến bây giờ, khi đã trở thành phụ huynh, mỗi lần nhắc đến ngôi trường này với con gái của mình, em đều kể chuyện của cô cho cháu nghe để cháu phấn đấu”.
Trong suốt quá trình công tác, từ giáo viên đứng lớp, đến uỷ viên BCH công đoàn, rồi Tổ trưởng chuyên môn, Phó Hiệu trưởng và hiện nay là ĐUV - Bí thư chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường, dù ở cương vị nào cô vẫn luôn cống hiến và hoàn thành nhiệm vụ chất lượng cao. Cô tâm sự : “Lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng và giúp đỡ học sinh là tâm huyết hàng ngày của tôi. Bởi nếu chỉ dừng lại ở việc dạy học trên lớp, thì mãi cứ theo đúng học trình mà làm, nhưng bằng tình cảm và trách nhiệm của người giáo viên, thì mấy chục học sinh luôn đi bên cạnh, mình sẽ làm chỗ dựa cho các em trong mọi hoàn cảnh, nâng bước cho các em đi đến thành công”.
Không chỉ là “Cô giáo giỏi” mà cô còn là “Người mẹ hiền”. Ngoài những giờ lên lớp, cô cũng không quên vun đắp cho gia đình nhỏ của mình. Hai cô con gái của cô, người nào cũng thành đạt, giỏi giang. Nhờ mẹ chỉ bảo, dạy dỗ, truyền nhiệt huyết, cô con gái lớn đã quyết tâm thi vào trường Sư phạm và bây giờ ngày ngày mang trí tuệ, tài năng của mình truyền lại cho bao thế hệ đàn em. Cô con gái thứ hai cũng đang là một sinh viên giỏi của trường ĐH Bán công quản trị kinh doanh. Trong tương lai hứa hẹn trở thành một kế toán viên nhiệt tâm, có trách nhiệm.
Thực hiện phong trào thi đua "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", làm theo gương Bác, cô xác định, đã là giáo viên, nhất là cán bộ quản lí ngôi trường tại địa phương nơi mình sinh ra và lớn lên thì trách nhiệm lại càng lớn. Bao nhiêu ước mong của người dân địa phương gửi gắm vào cô với vi vọng ngôi trường sẽ đào tạo nhiều hơn nữa những lứa học sinh chăm ngoan học giỏi, góp sức mình vào xây dựng quê hương, đất nước. Vì vậy, cô luôn đặt ra yêu cầu cho bản thân cũng như cho các giáo viên khác; Trang bị cho mình về lối sống giản dị, ân tình và nghị lực phi thường trong khó khăn. Mỗi tấm gương sáng của thầy giáo, cô giáo, không chỉ trang bị kiến thức cho học sinh, mà còn giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, ứng xử, trong quan hệ xã hội của mỗi người.
Trong các tiết dự giờ giáo viên, cô luôn góp ý chân thành, thẳng thắn cho đồng nghiệp để giúp các bài giảng sinh động hơn, hấp dẫn hơn. Qua đó, giúp học sinh nắm chắc những kiến thức cơ bản, hứng thú với bài học với tiết học…
Sau những năm tháng nhiệt tình trên trang giáo án và những trăn trở chuyên môn, tầm nhìn của người quản lý, lãnh đạo, cô đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng tập thể Trường THCS Long Biên nhiều năm liền đạt trường Tiên tiến cấp quận và Chi bộ trong sạch vững mạnh, tiêu biểu.