Hiện nay, những thành tựu của khoa học - công nghệ (KHCN) đã và đang tác động mạnh mẽ, làm thay đổi hình thức và nội dung các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội của loài người. Nhiều ý kiến cho rằng, một số quốc gia phát triển đã bắt đầu chuyển dần từ văn minh công nghiệp sang văn minh trí tuệ. Các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam) tích cực áp dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin để phát triển và hội nhập.
Đối với giáo dục và đào tạo, công nghệ thông tin đã góp phần tạo ra cú hích lớn làm thay đổi nội dung, phương thức dạy và học. Công nghệ thông tin là phương tiện hữu hiệu góp phần xây dựng “xã hội học tập”. Mặt khác, giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin thông qua việc cung cấp nguồn nhân lực cho lĩnh vực đó. Hội nghị Trung ương 2 khoá VIII (12-1996) nhận định: “Cùng với giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”. Công nghệ thông tin làm cho số lượng tri thức nhân loại tăng lên một cách “chóng mặt”, đồng nghĩa với việc đó là phương pháp dạy học truyền thống (phấn trắng, bảng đen, thầy đọc trò ghi...) không còn giữ vị trí độc tôn và thuần tuý được nữa. Do vậy, nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy bằng việc sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin đang là một nhu cầu cấp bách trên phạm vi toàn cầu. Trong các trường học ở nước ta, việc sử dụng các bài giảng điện tử kết hợp với phương pháp giảng dạy truyền thống đang từng bước được nghiên cứu và triển khai ứng dụng, bước đầu mang lại kết quả khả quan. Vì tất cả những lẽ đó, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trường Trung học cơ sở Long Biên đang từng ngày học tập, nghiên cứu, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy và học.
Mỗi năm học, nhận biết đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên, Ban Giám hiệu nhà trường đều mở các lớp tập huấn. Các đồng chí giáo viên rất hứng thú khi tham gia các buổi tập huấn. Gần đây nhất, căn cứ quyết định số 1878/QĐ-BGD ĐT ngày 02/06/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về thể lệ cuộc thi “thiết kế bài giảng điện tử E-learning” lần thứ 4 đối với các cấp học; công văn số 2813/SGD&ĐT-KHCN ngày 18/07/2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc triển khai cuộc thi “thiết kế bài giảng điện tử E-learning” năm 2016; công văn số 93/KH-PD&ĐT ngày 9/8/2016 của Phòng GD&ĐT quận Long Biên về tổ chức cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử E-learning” năm 2016, ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc thi “thiết kế bài giảng điện tử E-learning” năm 2016 cấp trường. Xét thấy nhiều giáo viên chưa tiếp cận được nhiều với việc thiết kế bài giảng E- learing, ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức một buổi tập huấn cho toàn thể giáo viên trong trường. Buổi tập huấn diễn ra vào 14h ngày 14/9/2016 dưới sự hướng dẫn của hai đồng chí Lê Thị Hồng Đăng và Trần Thúy An. Đây là hai đồng chí đã đạt được giải Nhì trong cuộc thi thiết kế bài giảng E –learning năm học 2015 – 2016. Với kinh nghiệm và sự hướng dẫn tận tình, chu đáo, buổi tập huấn diễn ra trong không khí say mê, tạo hứng thú cho các giáo viên trong trường. Ban giám hiệu tạo điều kiện cung cấp tài liệu, hỗ trợ máy tính tới mỗi giáo viên trong qua trình tập huấn diễn ra.
Nhiều câu hỏi, tình huống được đặt ra trong buổi tập huấn đều xoay quanh những vấn đề có thể xảy ra khi tiến hành soạn giảng. Đồng thời, bằng kinh nghiệm của bản thân, các đồng chí tích cực giúp đỡ nhau giải quyết các thắc mắc, nhằm đạt hiệu quả cao và nhanh nhất.
Bản thân mỗi giáo viên đều nhận thấy vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và nghiêm túc nghiên cứu, học tập.
Sau khi buổi tập huấn kết thúc, ai cũng cảm thấy hứng thú và bổ ích trước hoạt động thiết thực này. Hy vọng, những buổi tập huấn như trên sẽ góp phần mang lại hiệu quả cao trong dạy học của mỗi đồng chí giáo viên.