Lịch sử hình thành Ngày Khoan dung Quốc tế
Cách đây 23 năm, ngày 16/11/1995, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của LHQ (UNESCO) thông qua Ngày Quốc tế Khoan dung (International Day of Tolerance) và lấy ngày này hàng năm làm Ngày Quốc tế Khoan dung dưới sự đồng thuận của 185 quốc gia thành viên.
Trong bản cam kết, khoan dung được hiểu là “tôn trọng, chấp nhận và hiểu đúng sự đa dạng phong phú các nền văn hóa của thế giới, những hình thức tự biểu hiện và những khả năng thể hiện cá tính của con người”.
Ngoài ra, bản tuyên bố còn công nhận một thực tế là con người khác nhau về hình dáng bên ngoài, địa vị, lời nói, cách ứng xử và các giá trị đều có quyền được sống trong hòa bình và duy trì cá tính của mình.
Ý nghĩa của Ngày Khoan dung
Ngày Quốc tế Khoan dung ra đời với mong muốn tác động đến hành vi, suy nghĩ của mọi người, hướng mỗi người đến việc sống khoan dung, vị tha hơn. Đó là một thông điệp cao đẹp mà chúng ta muốn gửi đi. Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Quốc tế Khoan dung năm 2011, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon đã nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của “khoan dung chủ động” trên thế giới.
Ông kêu gọi cộng đồng thế giới tôn trọng sự đa dạng, chống mọi hình thức phân biệt đối xử và tăng cường các nỗ lực giáo dục về quyền con người.
Đến năm 2015, cũng trong thông điệp gửi tới cộng đồng thế giới ngày Khoan dung Quốc tế, ông Ban Ki Moon nói: “Trong ngày Khoan dung Quốc tế này, chúng ta hãy ý thức được sự đe dọa ngày càng tăng từ những kẻ chỉ tìm cách chia rẽ và hãy dấn thân vào việc mở con đường đối thoại, sự cố kết xã hội và hiểu biết lẫn nhau”.
Mỗi người có tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa và chủng tộc khác nhau. Điều đó tạo nên nền văn hóa đa dạng trên thế giới chứ không phải lý do dẫn đến các cuộc xung đột.
Những vấn đề như bất công, bạo lực, kì thị, phân biệt đối xử, tẩy chay gạt ra ngoài lề xã hội những người hay nhóm người với những dị biệt nhất định. Đây chính là những biểu hiện của việc sống không vị tha, không khoan dung. Ngày khoan dung hay bất cứ ngày nào trong năm chúng ta cần giáo dục về lòng khoan dung. Từ đó chống lại sự chia rẻ, phân biệt tôn giáo, chiến tranh sắc tộc. Cùng với đó, loại bỏ các ảnh hưởng dẫn con người đến sự sợ hãi và có hành động loại trừ những người khác. Đồng thời, giúp những người trẻ phát triển khả năng của chính mình, thực hiện quyết định độc lập trong suy nghĩ và có nhận thức đúng đắn về đạo đức.
Tại sao cần đẩy mạnh sự khoan dung?
Tình trạng phân biệt đối xử tạo ra những bất công và ảnh hưởng trực tiếp đến họ trong việc được đảm bảo các quyền xã hội, kinh tế, văn hóa, dân sự và chính trị, đang bị ngăn cản do phân biệt đối xử. Trong đó, phụ nữ vẫn là những người bị phân biệt và thiệt thòi nhất. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), mặc dù thực hiện 2/3 số giờ lao động của toàn thế giới và tạo ra một nửa lượng lương thực cho toàn cầu nhưng phụ nữ chỉ nhận được 10% thu nhập của toàn thế giới và sở hữu ít hơn 1% tài sản của hành tinh.
Điều đáng ngại nhất là xu hướng gia tăng xung đột vì mâu thuẫn sắc tộc. Thời gian qua đã xuất hiện nhiều điểm nóng xung đột, bạo lực từ châu Âu tới Nam Á, Trung Đông và châu Phi mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ mâu thuẫn sắc tộc.
Sống trong thế giới toàn cầu, chúng ta dễ dàng kết nối với nhau dù cách nhau cả nghìn cây số. Tuy nhiên, bạn đừng sử dụng công nghệ trở thành vũ khí để công kích người khác. Hãy biến nó thành công cụ để kết nối mọi người gần lại với nhau hơn. Cùng chung sống trong sự khác biệt và lòng khoan dung lớn lên mỗi ngày sẽ giúp chúng ta chống lại sự bài ngoại, phân biệt đối xử và thù hận. Khoan dung dạy chúng ta dung hòa các quyền phổ quát cùng tập hợp chúng ta lại và sự đa dạng làm phong phú thêm cho mỗi chúng ta. Nó cũng cho chúng ta thấy rằng chúng ta luôn cần đến người khác trong sự đa dạng của họ, để hoàn thiện chính bản thân mình.
Nhân Ngày Khoan dung Quốc tế, Liên Hợp quốc tiếp tục lên tiếng kêu gọi tất cả các nước, các lãnh đạo trên toàn các quốc gia và tất cả mọi người hãy cùng chung tay chống nạn khủng bố và sống khoan dung với nhau hơn. Ngày Quốc tế Khoan dung là một cơ hội để tái khẳng định cam kết của chúng ta cùng công nhận và bảo vệ các quyền con người và tự do phổ quát cần thiết cho một nền hòa bình lâu dài.