Lịch sử ngày Quốc tế Nhân quyền
Ngày Quốc tế Nhân quyền được chọn là do vào ngày 10 tháng 12 năm 1948 Liên Hợp Quốc công bố Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Vào ngày này bà Eleanor Roosevelt, nguyên Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, đã đại diện Liên Hợp Quốc tuyên đọc bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền lịch sử tại Paris, Pháp. Bản Tuyên ngôn này là nền tảng cho Bộ luật Nhân quyền Quốc tế, bao gồm hai công ước cơ bản về quyền con người cùng được Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 1966 là Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị và Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.
Ngày 4 tháng 12 năm 1950, trong phiên họp toàn thể lần thứ 317, Liên Hiệp Quốc ban hành Nghị quyết A/RES/423 (V) chính thức công nhận ngày 10 tháng 12 hằng năm là Ngày Nhân quyền - Human Rights Day. Trong những năm gần đây, Liên Hiệp Quốc còn chọn chủ đề cho ngày Nhân quyền trong mỗi năm.
Các hoạt động ngày Quốc tế Nhân quyền
Các tổ chức nhân quyền như Tổ chức Ân xá Quốc tế xem ngày này hàng năm như một cơ hội để xem xét tình hình nhân quyền trên toàn thế giới và đúc kết tình hình hiện tại.
Nghị viện châu Âu mỗi năm vào ngày này tổ chức lễ trao Giải thưởng Sakharov, các tổ chức Phóng viên Không Biên giới trao Giải thưởng Nhân quyền của họ.
Hàng năm vào ngày 10 tháng 12, cũng là ngày mất của Alfred Nobel, tại Oslo - Na Uy tổ chức lễ trao giải thưởng Nobel Hòa bình.