Đình Gia Thượng trước đây thuộc xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm. Xã gồm có các thôn: Bắc Biên, Bắc Cầu, Gia Thượng, Trung Hà và Yên Tân, nguyên là đất các xã Bắc Cầu, Gia Thượng, tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh và một phần đất tổng Tầm Xá, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông trước năm 1945. Sau năm 1953 đặt tên xã Ngọc Thụy thuộc quận 8, ngoại thành Hà Nội. Năm 1961 là xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm. Cuối năm 2003, Chính phủ có quyết định tách huyện Gia Lâm, Ngọc Thụy thuộc quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Đình Gia Thượng hiện nay thuộc tổ 20 của phường Ngọc Thụy.
Ngọc Thụy nói chung, Gia Thượng nói riêng đều là một vùng đất địa linh nhân kiệt, được chứng minh qua hệ thống di tích nối tiếp di tích như đình Bắc Cầu (phía bắc cầu Long Biên) thờ các vị Thần, tương truyền có từ thời các vua Hùng. Bắc Biên là một thôn của Cơ Xá cũ, địa vực ở bãi bồi sông Hồng bên bờ bắc, nguyên thượng cổ là đất phường Cơ Xá của Thăng Long. Đình Bắc Biên thờ Đào Kỳ – vị tướng giỏi của Hai Bà Trưng. Đền Bắc Biên thờ Lý Thường Kiệt ngay trên quê hương ông. Chùa Bắc Biên còn lưu giữ quả chuông đồng có niên hiệu Chính Hoà (1690), trên khắc Bài minh ghi rõ: “Chùa An Xá là nơi danh lam cổ tích, thực ấp này nguyên ở vào Nội điện thành Thăng Long chuẩn cho dân trong ấp ra ở bãi Cơ Xá” .
Gia Thượng là một trong những làng cổ, có di tích lịch sử từ lâu đời, “ở đây còn dấu vết thành Điêu Diêu do quân nhà Minh xâm lược đặt vào thế kỷ XV. Thành không lớn lắm, ngoài một số giặc nhà Minh đóng thì hầu hết là do thổ quân, thổ quan chiếm giữ. Đầu năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn một mặt vây ráp thành, một mặt gọi hàng. Tháng 2 năm 1427, toàn bộ quan quân thành Điêu Diêu kéo ra đầu hàng nghĩa quân. Trong sử sách thành Điêu Diêu còn gọi là thành Điêu Hào”.
Đình Gia Thượng mang tên địa danh thôn Gia Thượng. Đình được xây dựng ở ngoài đê bên bờ bãi hữu ngạn sông Đuống. Đình thờ 5 vị Thần hoàng, trong đó có Linh Lang Đại vương và Cao Sơn Đại vương là 2 vị Thần có địa vị Thần quyền quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân Thăng Long và được nhiều nơi tôn vinh thờ phụng. Linh Lang là vị Thần được thờ chính ở đền Voi Phục – Thủ Lệ trấn tây “Thăng Long tứ trấn”. Huyền thoại truyền là con vua Lý Thánh- Tông, có công đánh giặc chống Tống. Thần Cao Sơn Đại vương được thờ chính ở đình Kim Liên với tư cách trấn nam của Kinh thành. Cao Sơn là bộ tướng thân cận của Tản Viên Sơn Thánh đã chống lại Thuỷ Tinh, phản ánh tinh thần đoàn kết chiến đấu lao động chống lũ lụt và thiên tai, địch họa của dân tộc ta từ mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Đình còn thờ vị Thần Giang Khẩu Đại vương (Thần cửa sông) với ý nghĩa cầu mong cho mưa thuận gió hoà, sông nước êm đềm, mùa màng bội thu. Cùng với việc thờ Thiên Thần (Thần núi, Thần sông), đình Gia Thượng còn thờ hai vị Minh Trụ Đại vương, Minh Khiết Đại vương. Đây là 2 vị nhân Thần, nhân vật lịch sử thời Lý đã được huyền thoại hoá (lúc sinh, lúc hoá) . Nội dung Thần tích đã khẳng định công lao chống giặc ngoại xâm (quân Chiêm Thành) bảo vệ đất nước của 2 vị ở thế kỷ XI, đã được nhân dân thờ làm Thần hoàng làng ở nhiều nơi như đình Gia Quất, phường Thượng Thanh…
Các cụ già cao tuổi ở địa phương cho biết, đình Gia Thượng có khởi nguồn tạo dựng khoảng cuối thời Lê Trung Hưng, đình đã trải qua nhiều lần đại tu sửa chữa, hiện chưa tìm được nguồn tư liệu thành văn ghi chép việc xây dựng tu bổ đình. Tuy nhiên, căn cứ vào bộ đòn kiệu bát cống chạm Rồng rất tinh tế sơn son thếp vàng sáng rực mang phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ XIX và cây đa cổ thụ xum xuê toả bóng đầu đình, gốc, rễ ở dưới mặt bằng cốt cũ sâu khoảng 1m50 so mặt sân hiện nay, có thể đoán định ngôi đình cổ trước đây có chừng từ 200 đến 300 năm tồn tại. Hồ sơ khảo sát năm 1994 tại Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội cho biết: Ngôi đình có kiến trúc khiêm nhượng gồm 3 gian nhỏ đầu hồi bít đốc dạng chữ đinh, còn gọi là chuôi vồ. Phía trước gian giữa lắp cửa bức bàn, trên cửa chia ô đắp ba chữ “Thượng đẳng từ”, 2 gian bên xây tường trổ cửa sổ dựng bằng gạch, đối xứng với tường hậu của 2 gian hồi, gian giữa nối liền với Hậu cung, 2 vì chính làm thống nhất một kiểu kèo suốt nối với kẻ hiên đặt trên đầu cột gạch.
Với kiến trúc hiện còn của ngôi đình là căn cứ để có thể đoán định ngôi đình được tu sửa ở giai đoạn đầu thế kỷ XX. Đặc điểm của đình Gia Thượng là ở ngoài bãi bồi khu đất trũng, hàng năm thường xuyên bị ngập lụt, làm cho kiến trúc xuống cấp, hư hại nhanh chóng. Năm 2003 – 2004, chính quyền và nhân dân địa phương đã đầu tư tu bổ, tôn tạo ngôi đình gồm 3 gian 2 trái được xây dựng theo kiểu 4 mái với 4 đầu đao uốn cong vút. Mặt bằng hình chữ nhật ngang 17,2m, dọc 11,5m, 4 hàng chân cột được làm bằng vật liệu hiện đại sơn giả gỗ, 4 vì kèo làm theo kiểu “thượng chồng rường, trung can, hạ tiền bẩy hậu bẩy”, 2 vì kèo đầu hồi làm kiểu “thượng chồng rường, trung kèo xó hạ bẩy góc”, mái phân bổ thượng tứ – hạ ngũ, rui, hoành gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài. Hậu cung 1 gian xây bệ thờ, trên đặt 5 bộ Long ngai sơn son thếp vàng ứng với 5 vị Thần hoàng được thờ tại đình. Nền nhà Đại đình lát gạch đỏ vuông 30cmx30cm. Như vậy, đình Gia Thượng về cơ bản vẫn giữ những nét truyền thống của một công trình kiến trúc cổ, với mặt bằng rộng rãi, thoáng đãng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp đã tạo nên sự hoà nhập giữa kiến trúc và môi trường. Sự kết hợp này mang tính chủ đạo thống nhất trong lối kiến trúc cổ Việt Nam truyền thống.
Tại đình hiện còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật thuộc thế kỷ XIX – XX như: 1 hoành phi “Thánh cung vạn tuế”, 3 đôi câu đối ca ngợi cảnh đẹp của di tích, 1 bộ kiệu bát cống sơn son thếp vàng nghệ thuật thế kỷ XIX, 6 thanh gươm thờ, 1 ngai thế kỷ XIX, 4 ngai mới, 1 bát hương sứ vẽ men màu xanh lam, bộ bát bửu, nhang án sơn son thếp vàng, ngựa thờ (đồ thờ mới), tả chiêng, hữu trống và nhiều đồ thờ tự khác. Bộ sưu tập di vật hiện bảo lưu trong đình là nguồn tư liệu quý góp phần gợi mở việc nghiên cứu về lịch sử, thuần phong mỹ tục, tập quán của cồng đồng cư dân vùng đông – bắc Thăng Long.
Đình Gia Thượng sẽ là một điểm tham quan hấp dẫn trong tuyến du lịch miền tây – bắc sông Đuống từ Gia Thụy, Thượng Thanh, Giang Biên đến phường Phúc Lợi, quận Long Biên.