!important; Đình Tình Quang cách Trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 15km về phía Đông – Bắc, tạo lạc giữa khu dân cư của thôn Tình Quang, xã Giang Biên, huyện Gia Lâm, nay thuộc tổ 3, phường Giang Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội.
Trước năm 1945, đây nguyên là đất các xã Quán Tình và Tình Quang, thuộc tổng Đặng Xá, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 gọi là xã Giang Biên. Từ năm 1961, Giang Biên thuộc về Hà Nội. Tháng 1/2014, đổi thành phường Giang Biên, quận Long Biên, nội thành Hà Nội.
Tình Quang là một làng cổ của xứ Kinh Bắc xưa, tên nôm của làng là Vịa. Xưa, vùng đất này nằm trong địa bàn giao lưu giữa Kinh đô Cổ Loa (ở phía Bắc) với Luy Lâu (ở phía Nam) và Kinh thành Thăng Long (ở phía Tây). Những chứng tích lịch sử này còn lưu lại ở tên của các xứ đồng thuộc làng Tình Quang như: Thành, Dinh, Đống Cung, Cổ Ngựa, Cửa Khâu, Vườn Hồng, Vườn Yến…
Vào năm Tự Đức thứ 9 (1856), khi con sông Đuống được đào để thay thế sông Thiên Đức thì làng Vịa bị chia cắt đôi thành Vịa lớn (tức thôn Tình Quang ở bên bờ Nam) và Vịa con (tức Cống Thôn ở bên bờ Bắc). Năm 1913, đê bị vỡ phải đắp đê quai, vì vậy, đình nằm ở ngoài bãi.
Đình Tình Quang thờ 3 vị Thành hoàng làng là Lý Bí (Lý Nam Đế), Đinh Điền – Một tướng giỏi của Đinh Bộ Lĩnh và Lý Chiêu Hoàng – Vị vua cuối cùng của triều Lý. Công lao và sự nghiệp của các vị thành hoàng làng đã được ghi chép rất kỹ trong các bộ chính sử, dã sử và các truyền thuyết dân gian ở địa phương. Lý Bí (Lý Nam Đế), tên húy là Bôn, ông người Hưng Long, tỉnh Thái Bình, là người có tài văn võ, từng làm quan cho nhà Lương và giữ chức Giám quân (trông coi việc quân) ở Châu Đức – Hà Tĩnh. Là người yêu nước, thương dân, bất bình với bè lũ đô hộ phương Bắc nên ông đã bỏ quan về quê. Từ đó, ông chuyên chú vào việc chuẩn bị khởi nghĩa, chống lại ách đô hộ của nhà Lương. Lý Bí đặt quan hệ với hào kiệt các châu, chiêu tập hiền tài, tụ họp binh nghĩa như Triệu Quang Phục, Lý Phục Man…và nhiều hào kiệt ở các nơi. Tháng Giêng năm 542, ông lãnh đạo nhân dân, nổi dậy đánh đuổi Thứ sử nhà Lương là Tiêu Tư, giải phóng đất nước. Mùa Xuân, tháng Giêng năm 544, Lý Bí lên ngôi Hoàng Đế, đặt Quốc hiệu là Vạn Xuân, xưng là Nam Đế (Vua nước Nam), lấy niên hiệu là Đại Đức (Đức lớn) và dựng đô ở Long Biên. Ông cho xây dựng một ngôi chùa mới lấy tên là Khai Quốc (tức chùa Trấn Quốc ngày nay).
Ba vị thành hoàng làng thờ ở đình Tình Quang được nhà nước phong kiến ban tặng nhiều sắc phong là Thượng Đẳng Thần. Qua các sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn đều ghi rõ công lao to lớn của các vị. Ở trong di tích hiện còn lưu giữ khá nhiều hoành phi, câu đối ca ngợi công tích của các vị Thành hoàng làng.
Căn cứ vào tấm bia niên hiệu Chính Hòa (1676) và các dấu vết kiến trúc hiện còn thì di tích được dựng vào khoảng đầu thời Lê – Chính Hòa. Đình có quy mô kiến trúc bề thế, khang trang, được dựng ở một vị trí đẹp, phía trước có ao đình mang ý nghĩa tụ thủy để cầu mong mọi vật sinh sôi, phát triển. Xưa kia, bên cạnh di tích còn có miếu, hai nhà bia hạ mã, có Tam môn và lăng Đinh Điền. Xung quanh là những cây si, cây gạo rất lớn. Song, do nhiều nguyên nhân mà quy mô của di tích đã bị thu hẹp. Tổng thể mặt bằng hiện nay bao gồm: cổng đình, sân đình, Tả Hữu mạc, Đại đình và Hậu cung.
Cổng đình gồm 4 trụ biểu xây rất cao, trên đỉnh 2 trụ chính đắp 2 con lân hướng đầu vào giữa và nhìn xuống, 2 cổng phụ làm dạng chồng diêm 2 tầng 8 mái, thân các trụ đều đắp nổi các câu đối bằng chữ Hán. Tiếp đó là sân đình, 2 bên sân có nhà Tả, Hữu mạc, mỗi bên 5 gian. Dãy bên trái hiện nay được sử dụng làm Nhà văn hóa của thôn Tình Quang. Đáng chú ý nhất là phần kiến trúc chính của di tích được kết cấu theo kiểu chữ đinh gồm Đại đình 5 gian, 2 chái lớn, Hậu cung 3 gian làm kiểu 4 mái với 8 đầu đao cong vút vươn lên, mái đình lợp ngói di, chính giữa bờ nóc đắp đôi Rồng chầu mặt trời. mặt bằng Đại đình có 6 hàng chân với 60 cột gỗ tròn được làm theo kiểu thượng thu, hạ thách. Bộ khung được làm kiểu vì giá chiêng.
Giá trị nổi bật của di tích là phần nghệ thuật trang trí trên kiến trúc. Có lẽ hiện nay trong nội thành chỉ còn vài ba di tích giữ lại được nhiều mảng chạm với các đề tài phong phú, uyển chuyển mang đầy tính nghệ thuật và thể hiện được ý nghĩa sâu xa. Các mảng chạm tập trung nhiều nhất là ở cốn nách, đầu dư, kẻ hiên, câu đầu, cửa võng với những đề tài quen thuộc như chim, phượng, lân, cúc mãn khai, vân xoắn, vân đấu hỏi, đao mác, rồng ẩn trong các đám mây thật mềm mại và uyển chuyển mang những nét đặc trưng của phong cách kiến trúc thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Trên cốn 2 nách gian giữa nối Đại Đình với Hậu cung thể hiện các con vật dân dã như Dơi, Chuột đang rượt đuổi ẩn trong đám mây, xung quanh điểm kín đao mác, vân xoắn trông thật sinh động và thiêng liêng. Các hình tượng này cũng thể hiện ước vọng của cư dân nông nghiệp lúa nước trong việc cầu mong sự no đủ, hạnh phúc, cho mọi vật sinh sôi, phát triển.
Hậu cung gồm 3 gian dọc, bộ khung cũng được kết cấu theo kiểu vì giá chiêng. Nếu so với tòa Đại đình thì phần trang trí trong cung có phần đơn giản hơn, chủ yếu tập trung ở các cốn nách và phía trước cửa ra vào các đề tài như: tứ linh, tứ quý, rồng, mây…sản phẩm của thế kỷ XIX.
Ngoài những giá trị về mặt kiến trúc, đình Tình Quang còn bảo lưu được hệ thống di vật có giá trị như: Bia đá niên đại Chính Hòa (1676), sắc phong, ngai thờ, kiệu, cửa võng, hoành phi, câu đối, hương án… mang giá trị lịch sử, nghệ thuật, thẩm mỹ trong việc tìm hiểu về quá trình tồn tại của di tích cũng như sự hình thành và phát triển của vùng đất này.
Đình Tình Quang không chỉ là một di tích lịch sử- kiến trúc nghệ thuật đẹp, có giá trị về nhiều mặt, mà nơi đây còn là nơi ghi dấu ấn những sự kiện cách mạng của địa phương. Chính ngôi đình là nơi nuôi dưỡng, che dấu nhiều đồng chí cán bộ cách mạng về hoạt động tại Giang Biên. Di tích vinh dự được đón các đồng chí lãn đạo của Trung ương và Hà Nội về thăm như: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các đồng chí Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương…
Năm 1993, Đình Tình Quang được nhà nước công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Hàng năm, ngày 17, 18, 19 tháng 2 âm lịch, nhân dân Tình Quang đều mở hội để tưởng nhớ công lao to lớn của Thành hoàng làng.