Múa Giảo Long được biết đến như một trong những điệu múa đặc sắc trong Hội làng Lệ Mật (Gia Lâm, Hà Nội). Đây cũng là một trong 10 điệu múa truyền thống từng được chọn trình diễn trong Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Truyền thuyết điệu múa làng Rắn
Thần phả của đình làng Lệ Mật ghi rằng, một hôm, công chúa con vua Lý Thái Tông dạo chơi trên sông Thiên Ðức thì bị một con thủy quái làm lật thuyền, cướp mất công chúa. Nhà vua đã huy động nhiều tướng tài cùng thiên binh vạn mã nhưng đều bất lực. Bỗng lúc ấy, có một chàng trai ven sông Thiên Ðức xin được đi cứu công chúa. Vốn nghề chài lưới, lại có sức khỏe phi thường, chàng trai lặn xuống đáy sông chiến đấu với thủy quái và mang được thi hài công chúa về. Chàng trai có công vớt ngọc thể công chúa đó là Hoàng Ðức Trung, sau này, được dân làng Trù Mật thờ làm Thành hoàng.
Nhà vua ban ơn nhiều của cải, gấm vóc, nhưng chàng trai không nhận. Lúc đó, vương triều Lý định đô ở Thăng Long chưa lâu, vùng phía tây kinh thành còn hoang vắng, chàng trai họ Hoàng xin vua cho dân làng được khai phá vùng đất này. Ðược sự đồng ý của nhà vua, chàng trai họ Hoàng đưa dân làng mình khai phá đất hoang, lập ra 13 làng trại, tục gọi là Thập tam trại, gồm các làng: Vĩnh Phúc, Ngọc Khánh, Cống Yên, Ngọc Hà, Ðại Yên, Liễu Giai, Giảng Võ, Cống Vị, Vạn Phúc, Thủ Lệ, Xuân Biểu, Hữu Tiệp và Kim Mã. Thập tam trại xưa, nay là các phường thuộc quận Ba Ðình.
Tưởng nhớ công ơn của tiền nhân, ngoài tôn thờ Hoàng Ðức Trung làm Thành hoàng, dân làng Trù Mật còn sáng tạo điệu múa giảo long, nhằm nhắc lại công tích đánh thủy quái khi xưa của ông. Làng Trù Mật xưa là Lệ Mật ngày nay, thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên. Ðình làng là ngôi đình lớn, kết cấu tới hơn 50 gian và đã được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia.
Đặc điểm của điệu múa
Ðể chuẩn bị cho múa giảo long, dân làng đan một con giảo long lớn bằng mây tre, phủ vải ra ngoài. Giảo long được trang trí vân mây trên nền xanh da trời, đầu có mào và chiếc lưỡi đỏ khổng lồ. Vào ngày chính hội (từ 19 đến 23-3 âm lịch hằng năm), múa giảo long luôn thu hút đông đảo nhân dân tới xem. Mở đầu bằng màn dạo chơi của công chúa nhà Lý, sau đó, con giảo long xuất hiện và "nuốt chửng" nàng công chúa xinh đẹp. Quân tướng triều đình được huy động đến chiến đấu với thủy quái. Các tráng đinh múa giảo long ở tư thế trườn bò nhưng đẹp mắt và dũng mãnh. Sôi nổi hơn cả là màn chiến đấu của chàng trai trẻ họ Hoàng với giảo long, những động tác vũ thuật đẹp mắt diễn ra trong tiếng hò reo vang dội, cuối cùng, chàng trai chiến thắng thủy quái, rước công chúa hồi cung.
Múa giảo long là một hình thức diễn xướng dân gian huy động tới 50 người tham gia. Trong đó, đặc biệt là những người vào vai dũng sĩ họ Hoàng, công chúa và sáu người đội lốt giảo long. Do câu chuyện về vị Thành hoàng Hoàng Ðức Trung gắn với vương triều Lý, nhất là thời kỳ xây dựng và mở rộng kinh đô về phía tây, nên việc gìn giữ, bảo tồn múa giảo long được coi là nhiệm vụ quan trọng của nhân dân Lệ Mật nói riêng, nhân dân Hà Nội nói chung.