!important; Hát múa Ải Lao ở làng Hội Xá, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Quá trình tồn tại của phường Ải Lao gắn liền với Hội Gióng ở làng Phù Đổng. Theo truyền thuyết dân gian, Thánh Gióng đi đánh giặc qua dòng sông Thiên Đức (tức sông Đuống), Ngài rủ lũ trẻ chăn trâu, người câu cá bên bờ sông cùng đi, Ông Hoàng Hổ cũng xin theo. Chiến thắng giặc Ân, Thánh Gióng hóa về trời. Mẹ Thánh Gióng buồn vì con không về. Nhà vua hứa trọng thưởng cho người làm bà vui cười trở lại nhưng không ai làm được. Khi trẻ chăn trâu làng Hội Xá sang múa hát, bà thấy đúng tâm trạng nên bật cười. Từ đó, nhà vua lệnh cho tổng Phù Đổng khi tổ chức Hội Gióng, phải mời phường Ải Lao sang biểu diễn.
Trước đây, làng Hội Xá không có phường chuyên đảm nhận công việc biểu diễn ở Hội Gióng, mà là lần lượt các giáp Đông, Đoài, Nam, Bắc tham gia. Đến lượt giáp nào thì phải chọn trai đinh ở giáp đó, để lập phường hát và múa Ải Lao phục vụ hội, nên giáp nào cũng có người biết hát. Khoảng ngày 21 - 22 tháng Ba Âm lịch hàng năm, tổng Phù Đổng cử người sang Hội Xá để mời phường tham gia. Các giáp thường cử 20 thành viên hát múa Ải Lao [gồm: 1 Ông trùm, 1 người đánh trống khẩu, 1 người đánh chiêng, 1 người cầm cung (tượng trưng cho người đi săn), 1 người cầm cần câu (tượng trưng cho ông Câu), 2 người cầm cờ lau (tượng trưng cho lũ trẻ chăn trâu Hội Xá chơi cờ lau theo Thánh Gióng đánh giặc), 1 người múa hổ (tượng trưng cho ông Hổ), 12 người cầm sinh và hát) cùng với lình cả, lình nhì (những người đứng đầu giáp) và một ông mõ đi phục vụ cơm nước]. Những người tham gia phải từ 18 đến 49 tuổi và không vướng bụi (gia đình có tang). Hiện nay, theo quy định mới, người tham gia phường Ải Lao phải trên 35 tuổi và theo tinh thần tự nguyện.
Về trang phục, khi được chọn, mỗi thành viên phải tự chuẩn bị cho mình một chiếc nón dứa, đầu chít khăn và mặc áo dài đen, thắt lưng lụa màu xanh, buộc nút ở sườn bên trái, chân đi đất. Hàng năm, giáp nào được cử đến hội phải có mặt ở đình Hội Xá vào tháng Ba để nhận đầu ông Hổ, rồi mua vải may một tấm da hổ để nối vào đầu hổ. Tấm vải được nhuộm vàng và vẽ lên đó những chấm lốm đốm cho giống da hổ. Tan hội, giáp làm lễ cúng ở đình rồi đốt tấm da Hổ. Đầu Hổ được cất vào trong điện thờ. Xưa, đầu ông Hổ bằng giấy bồi, từ năm 1997, được làm bằng gỗ, còn tấm da Hổ được may bằng vải dầm bâu (vải thô, cứng) và được cất giữ để dùng cho các hội kế tiếp.
Ngoài những tiêu chí chung để được lựa chọn vào Phường, người đóng vai ông Hổ, ông Câu còn phải biết múa. Riêng ông Hổ phải có vóc dáng to lớn, khỏe mạnh. Trước đây, việc truyền dạy chủ yếu là truyền miệng, nhưng cách này không hiệu quả vì những người chưa biết cùng tập luyện với người cũ rất khó theo. Phường cho chép các bài hát và phô tô cho mọi người học thuộc trước, để khi tham gia tập hát cùng các thành viên khác đỡ tốn thời gian và đạt hiệu quả cao.
Nghệ thuật hát và múa Ải Lao từ xưa tới nay được thể hiện thông qua hệ thống các bài hát với cách hát đặc biệt và các điệu múa cổ.
* Hệ thống bài hát Ải Lao
Hiện nay, phường Ải Lao đang biểu diễn 14 bài hát là: Lễ trình, Hát thờ đền Thượng, Hát sử, Kéo hội đi đường, Rước hội xuống đồng vào Giá Ngự, Uốn cành, Tre ngà, Hát thờ đền Mẫu, Giải núi, Vào chùa hát thờ, Lập đồn, Lễ tạ, Lên đình Hội Xá, Vào chùa. Các bài hát Ải Lao cổ vẫn được Phường lưu giữ và phát huy. So với những ghi chép của ông Nguyễn Văn Huyên về Ải Lao năm 1938, hầu hết các bài hát Ải Lao cổ vẫn được biểu diễn chỉ thay đổi tên gọi như “Hát khi mới vào hành lễ" được đổi thành "Hát thờ ở đền Thượng", "Hát ở đền Đức Thánh thượng" được đổi thành "Hát sử"… Một số đoạn trong các bài hát cũng được thay đổi trật tự. Không chỉ dừng lại ở đó, phường Ải Lao còn chuyển thể một số bài thơ hay, ý nghĩa, nói lên được vai trò lịch sử của phường Ải Lao và ông Hoàng Hổ thành bài hát mới để phù hợp hơn với các không gian biểu diễn. Năm 2015, Phường đưa vào hai bài hát mới là “Lên đình Hội Xá” và “Vào chùa”, được phổ từ hai bài thơ “Ca ngợi Hội Xá” của ông Đoàn Thế Thuần và “Chắp tay niệm Phật” của ông Quý Luân. Tuy nhiên, hai bài này không được biểu diễn trong Hội Gióng mà chỉ biểu diễn trong hội làng Hội Xá.
* Cách hát Ải Lao
Đặc điểm riêng nổi bật của các bài hát Ải Lao là từ các bài thơ chủ yếu theo thể lục bát và thơ tám chữ được chuyển sang hát bằng cách lặp từ, thêm các từ đệm, thay đổi cấu trúc bài thơ. Người ta thêm các hư từ vào câu thơ để tạo nhịp, mà không làm thay đổi ý của câu và duy trì sự hài hòa cho bài hát.
Có hai cách chêm từ để tạo nhịp cho bài hát như: từ đệm "á", "mà", "là là" vào câu thơ để hát như trong bài Hát ở đền Thượng, câu: Trèo lên cây gạo cao cao hát thành Cây cây gạo là là cao á cao/ Trèo á lên là là trèo á lên/ Cây cây gạo là là cao á cao và láy lại từ đầu tiên của câu hát: Cây cây khế là là nửa á ngày/… Lòng lòng này là là khế á ơi?
- Từ một câu thơ lục bát, bằng cách đảo từ, tách từ, lặp từ và thêm các hư từ đã tạo thành sáu câu hát, mỗi câu có tám chữ, có thể mã hóa như sau:
Câu thơ 6 chữ: 1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6
Hát thành: 3 – 3 – 4 – là là – 5 – á – 6
1 – á – 2 – là là – 1 – á – 2
3 – 3 – 4 – là là – 5 – á – 6
Câu thơ 8 chữ: 1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7 – 8
Hát thành: 1 – mà – 2 – là là – 3 – mà – 4
5 – á – 6 – là là – 7 – á – 8
5 – á – 6 – là là – 7 – á – 8
- Cách thêm hư từ, láy từ và thay đổi cấu trúc câu ở câu thơ tám - tám: Ngoài thể thơ chính là thơ lục bát, các bài hát Ải Lao còn có những bài có hai câu tám từ liền nhau hoặc cả bài đều tám từ. Ở những bài hát này, các câu hát được hát xuôi, không đảo từ, chỉ thêm hư từ, như trong bài Kéo hội đi đường: Ơn đức bề trên ban quạt, ban tàn/ Ban về hội Gióng đã toan ngày rầy, hát thành: Ơn ơn đức mà là bề á trên/ Ban ban quạt mà là ban a tàn/ Ban mà về mà là hội mà Gióng/ Đã đã toan mà là ngày á rầy/ Đã đã toan mà là ngày á rầy, có thể mã hóa như sau :
Câu thơ 8 chữ thứ nhất: 1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7 - 8
Hát thành: 5 – 5 – 6 – là là – 7 – á – 8
1 – 1 – 2 – là là – 3 – á – 4
5 – 5 – 6 – là là – 7 – á – 8
Câu thơ 8 chữ thứ hai: 1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7 - 8
Hát thành: 1 – mà - 2 – là là – 3 – mà – 4
5 – 5 – 6 – là là – 7 – á – 8
5 – 5 – 6 – là là – 7 – á – 8
Lời hát Ải Lao còn có các câu thơ 4 chữ, mang phong cách đặc biệt Việt Nam, cổ nhất (theo Nguyễn Văn Huyên). Câu thơ bốn chữ khi chuyển sang lời hát vẫn giữ nguyên trật tự câu trúc câu chỉ thêm các hư từ, ví dụ: Hái xuống cùng đeo, hát thành: Hái hái xuống mà là cùng á đeo (bài Giải núi).
Nhạc cụ đóng vai trò rất quan trọng để giữ nhịp và đệm, có ba loại nhạc cụ chính là trống khẩu, chiêng con và sinh (sênh). Khi bắt đầu vào hát, trống và chiêng gõ hai hồi, mỗi hồi tám nhịp, sau hai hồi trống thì mọi người bắt đầu hát. Các câu hát được chia thành ba nhịp, sinh phải đánh theo nhịp trống, đánh vào nhịp thứ 3, 6 và 8.
* Múa Ải Lao gồm hai điệu chính là múa hành lễ và múa nghi lễ.
Múa hành lễ được thực hiện đầu tiên khi làm lễ ở trước ban thờ Thánh. Các thành viên trong Phường xếp thành hai hàng song song, mặt hướng vào nhau theo thứ tự quy định, khoảng giữa trải ba chiếc chiếu. Đứng đầu hàng bên phải là người cầm trịch trống và hàng bên trái là người cầm trịch chiêng. Đứng hàng thứ hai là hai người cầm bong, rồi đến hai hàng quân áo xanh - là các thành viên của phường Ải Lao, gồm 18 người. Đứng ở chính giữa, phía cuối hai hàng là ông Hổ và ông Câu. Ông Hổ là người múa hành lễ đầu tiên, sau đến các động tác múa cổ do trịch trống, trịch chiêng và hai người cầm bông thực hiện, cuối cùng là các thành viên múa hành lễ.
Điệu múa hành lễ của ông Hổ: trước khi làm lễ, trống và chiêng nổi lên hai hồi, mỗi hồi sáu tiếng, ông Hổ đứng ở chiếu thứ ba. Theo nhịp trống mở lễ, Ông bước lên chiếu thứ nhất, mặt hướng về phía trước, mỗi bước đều thể hiện những động tác múa uyển chuyển. Khi bước, Ông Hổ bước chân trái lên trước, sau đó, bước chân phải lên để ngang bằng với chân trái, hai gót chân gần nhau, bàn chân chếch ra theo kiểu chữ V. Lúc này, người Ông lắc lư nhẹ. Khi đến chiếu thứ nhất, theo nhịp trống, chân trái của ông Hổ rút xuống phía sau và quỳ xuống, chân phải từ từ rút lại để ngang bằng với chân trái theo tư thế quỳ, lưng phải thẳng, ngực hơi ưỡn ra phía trước. Theo hiệu lệnh, Ông dập đầu một lần làm lễ Thánh. Sau đó, chân trái Ông bước lên phía trên, từ từ đứng dậy theo tư thế hơi ưỡn ra trước, chân trái bước lùi lại phía sau, chân phải rút về ngang bằng với chân trái. Đến đây, ông Hổ đã hoàn thành xong một lần làm lễ và phải thực hiện bốn lần. Sau khi làm lễ xong, Ông bước chân trái sang bên trái, đi về đứng ở chính giữa phía cuối hai hàng quân áo xanh. Trong quá trình làm lễ, hai bàn tay ông Hổ phải đặt trước ngực, hai cánh tay hướng sang ngang hơi chếch xuống so với vai, tất cả các động tác đều thực hiện theo tiếng trống người cầm trịch.Trong quá trình làm lễ, các bước chân của Ông không có quy định chân nào trước, mà tùy vào chân thuận người đóng vai ông Hổ. Động tác múa làm lễ của Ông uyển chuyển, nhẹ nhàng, vừa thể hiện sức mạnh của mãnh tướng, vừa thể hiện sự tâm phục của Ông đối với Thánh Gióng.
Điệu múa của ông Câu: tay cầm cần câu, khi múa thể hiện sự tình tứ, vui tươi và mềm mại. Khi múa nghi lễ, các động tác múa của ông Hổ và ông Câu hòa với nhịp điệu của lời ca, không gò bó theo một khuôn mẫu có sẵn mà người biểu diễn có thể sáng tạo theo cách của mình. Ông Hổ thực hiện các điệu múa làm lễ Thánh, nghi lễ kiểm tra trận địa và múa trong khi phường biểu diễn tất cả các bài hát. Ông Câu múa chủ yếu ở bài Uốn cành.
Điệu múa của người cầm trịch trống, cầm trịch chiêng, cầm bông lau: khi múa, các nhạc cụ, bông lau được bỏ ra. Đội múa đứng thẳng, mặt hướng lên ban thờ, hai chân đứng gần nhau theo hướng chữ V, hai tay đan vào nhau để sát vào ngực, cánh tay hướng sang ngang hơi chếch xuống so với vai. Bước hai, hai chân bước sang hai bên rộng bằng vai, mũi chân hướng về phía trước, hai tay đưa ra phía trước mặt, bàn tay đan vào nhau, lòng bàn tay hướng ra ngoài. Bước ba, người cúi xuống, hai tay chạm xuống đất, hai chân quỳ bằng nhau. Bước bốn, người cúi gập xuống, mặt hướng lên trên, bàn tay và khuỷu tay để sát mặt đất, chân trái và chân phải đưa ra phía sau theo tư thế “con ếch”, đầu cúi xuống. Bước bốn, một chân quỳ thẳng lên, chân kia để vuông góc với mặt đất, lưng và đầu thẳng lên, hai tay đan vào nhau để sát bụng. Bước năm, đứng dậy, vị trí hai bàn chân để nguyên như cũ, hai tay đưa thẳng về phía trước mặt, lòng bàn tay hướng vào phía trong. Bước sáu, rút chân về, người đứng thẳng, hai tay để sát bụng. Trịch trống, trịch chiêng và hai người cầm bông lau phải làm bốn lễ.
Điệu múa hành lễ của hàng quân: khi người cầm trịch trống, trịch chiêng, hai người cầm bông lau làm lễ xong, trống và chiêng đánh hai hồi thì hàng quân làm lễ. Hai hàng bước vào trong chiếu, cách nhau khoảng 60cm, mặt hướng về phía trước. Khi trịch trống đánh một tiếng, mọi người ngồi xuống để sinh ra giữa hàng. Sinh được đặt chéo nhau, tay phải được đặt lên trên. Khi làm lễ, hai tay để trước mặt, cánh tay để thẳng đứng, các ngón tay khép lại, lòng bàn tay hướng về phía trước. Bước hai, hai hàng quay lưng vào nhau, mặt hướng ra ngoài, bàn tay uốn từ ngoài vào trong và hướng ra bên ngoài. Bước ba, hai hàng quay mặt vào nhau, lòng bàn tay hướng vào nhau. Bước bốn, hai hàng quay mặt lên trên, lòng bàn tay hướng ra phía trước. Bước năm, hai chân quỳ xuống, hai tay chống vào đất, mặt hướng lên trên. Bước sáu, một chân đưa lên theo tư thế quỳ chân thấp chân cao, hai tay đan chéo nhau ở cổ tay và đặt lên phía trên đầu gối của chân cao, đầu gật xuống. Bước bảy, đứng thẳng lên, hai tay hướng về phía trước. Hàng quân làm lễ như vậy bốn lần. Tư thế của tay hướng lên trên là lễ Thánh, ra ngoài là chào khán giả, còn hướng vào nhau là các thành viên chào nhau.
Xưa kia, Phường Ải Lao tham gia biểu diễn ở Hội Gióng - đền Phù Đổng từ ngày 6 đến ngày 12 tháng Tư Âm lịch, hiện nay, tham gia từ ngày 7 đến 9 tháng Tư Âm lịch. Trước khi sang biểu diễn phục vụ Hội Gióng, phường Ải Lao phải làm lễ xin lốt hổ ở đình Hội Xá, tức là xin phép được mang đầu ông Hổ đi biểu diễn. Lễ xin lốt hổ làm đơn giản, thường do Trưởng phường và một vài thành viên khác thực hiện, trước biểu diễn từ một đến hai ngày. Lốt hổ và bông lau được rước từ đình về một gia đình trong Phường. Gia đình đó phải chuẩn bị một ban thờ riêng để thờ ông Hoàng Hổ. Lốt hổ được để chính giữa ban thờ, da hổ được để phía bên trái, trống khẩu và chiêng được để hai bên. Khi mọi thứ đã được sắp xếp xong, Trưởng phường thắp hương làm lễ yên vị.
Tại Hội Gióng - đền Phù Đổng, phường Ải Lao có trách nhiệm tham gia và thực hành một số nghi lễ không thể thiếu, như: sáng ngày mồng 7, Phường làm lễ ở đền Thượng, đền Mẫu và miếu Ban. Khi đến làm lễ, Phường thường hát các bài hát riêng có nội dung phù hợp với mỗi địa điểm. Buổi chiều, phường Ải Lao cùng các ông Hiệu đi dọc đường dẫn đến chiến địa để kiểm tra. Đoàn rước đi từ đền Thượng - miếu Ban - đền Mẫu – Đống Đàm. Khi đến Đống Đàm, chỉ có phường Ải Lao được vào bãi đánh trận để kiểm tra. Các thành viên trong Phường đi xung quanh còn ông Hổ thực hiện các điệu múa ở giữa. Sau khi kiểm tra xong, đoàn rước quay về đền Thượng, làm lễ tại thượng điện.
Chiều mồng 8, phường Ải Lao hát ở lễ rước nước từ đền Thượng về đền Mẫu. Về đến đền Thượng, chóe nước được rước vào ban thờ giám quan ở phía sau đền. Sau đó, phường Ải Lao làm lễ Thánh.
Chiều mồng 9 - ngày chính hội, phường Ải Lao thực hành nghi thức “Khám chiếu” ở hai nơi là Đống Đàm và bãi Soi Bia. Trong lúc ông Hổ thực hành nghi lễ múa trước ba chiếc bát (tượng trưng cho núi), úp trên tờ giấy trắng (tượng trưng cho mây), đặt trên ba chiếc chiếu, các thành viên trong Phường vừa đánh sinh, chiêng, trống, vừa đi xung quanh. Ông Hổ múa (khám) từng chiếu một. Khi Ông “khám chiếu” xong thì Phường rút ra khỏi “trận địa” để Hiệu Cờ thực hiện nghi thức cốt lõi của hội Gióng là đá tung chiếc bát và phất cờ lệnh. Sau khi ba ván cờ kết thúc, phường Ải Lao về hát những ca khúc khải hoàn ở sân đền Thượng. Hội Gióng kết thúc tại đây, phường Ải Lao đã hoàn thành xong nhiệm vụ với nhà Thánh và Hội Gióng.
Ngoài Hội Gióng ở đền Phù Đổng, hiện nay, phường Ải Lao còn biểu diễn ở hội làng Hội Xá (ngày 8 - 9 tháng Hai Âm lịch) và hội làng Đổng Xuyên (ngày 8 tháng Tư Âm lịch).
Hát múa Ải Lao gắn liền với Thánh Gióng - một trong Tứ bất tử, cùng với tinh thần chống giặc ngoại xâm của người Việt, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước. Phường Ải Lao góp phần bảo tồn, gìn giữ nhiều khía cạnh nghệ thuật như các điệu múa cổ, ca từ cổ và làn điệu cổ truyền lại từ bao đời. Nguyên tắc đổi vế trật tự câu thơ, láy từ và thêm các hư từ để thành câu hát là một sáng tạo rất độc đáo, thể hiện giá trị nghệ thuật tạo nhịp điệu trong cách hát của người Việt. Từ ngữ trong các bài hát lưu giữ “tiếng Việt bình dân”, rất bình dị, dễ hiểu, “là một dấu hiệu về tính cổ kính của những bài hát" (Nguyễn Văn Huyên). Hát múa Ải Lao có giá trị xã hội rất lớn, góp phần vào gắn kết cộng đồng “năm dân” tham gia Hội Gióng, gắn kết những người dân ở làng Hội Xá.
Với giá trị tiêu biểu, Hát múa Ải Lao được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3247/QĐ-BVHTTDL ngày 16/9/2016.
Dương Anh
Theo Hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa