!important; Đình Lệ Mật nằm trong một cụm di tích quốc gia bao gồm đình và chùa làng Lệ Mật, tại phố Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên. Theo người dân làng Lệ Mật kể lại thì trước đây, đình Lệ Mật nằm ở vị trí khác, chính nơi đây là đất của chùa. Khoảng đầu thế kỷ trước, các cụ đã quyết định rời chùa sang bên phải để lấy đất dựng lại đình. Lời kể trên có thể xác nhận nhờ ở một số chân tảng đá kê cột có chạm cánh sen (chủ yếu ở chùa) đã được tái sử dụng để kê cột của Đại đình.
Lệ Mật là một làng cổ vốn có tên “Trù Mật”, có lẽ vì kỵ húy tên chúa Trịnh Chù (tức Trịnh Cương, 1686-1729) nên mới phải đổi. Vào đầu thời Nguyễn đây là một xã thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Năm 1961, huyện Gia Lâm được nhập về thành phố Hà Nội. Năm 2003, một phần huyện Gia Lâm lại được tách ra để lập quận Long Biên, khi đó xã Việt Hưng đổi thành phường Việt Hưng và thuộc về quận mới này.
Tương truyền, vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) có một cô con gái cưng thường bơi thuyền du ngoạn trên dòng Thiên Đức (sông Đuống). Một hôm, công chúa bị đắm thuyền và mất tích, nhiều người đã lặn xuống nhưng không tìm thấy. Cuối cùng, một người xuất thân bắt rắn ở Lệ Mật tên là Hoàng Đức Trung mới đưa được xác công chúa lên bờ. Vua ban thưởng gấm vóc, vàng bạc nhưng ông từ chối tất cả, chỉ xin cho các đồng hương sang khai khẩn vùng đất hoang phía Đông-Nam kinh thành Thăng Long.
Được vua ưng thuận, dân Lệ Mật và mấy làng xung quanh đã di cư và biến vùng đất ven đô ấy dần dần thành 13 trang trại mà sách sử gọi là khu “Thập Tam Trại”. Hoàng Đức Trung làm hoạn quan ở trong cung còn giúp đỡ dân làng được nhiều việc khác. Sau khi ngài mất, Lệ Mật và các làng liên quan đều lập điện thờ và suy tôn ngài là thành hoàng.
Đặc biệt, dân Lệ Mật còn phát triển nghề bắt rắn và nuôi rắn thành truyền thống kéo dài cho đến hôm nay. Làng Lệ Mật vốn có hai ngôi đình: đình Thượng (nay không còn) thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và đình Hạ thờ ông Hoàng Đức Trung. Hàng năm, dân chúng mở hội đình Hạ và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật về rắn.
Về không gian và bố cục mặt bằng hiện nay, trước hết, đình quay nhìn về hướng Nam, đó là hướng của quyền uy “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (Thánh nhân – người tài giỏi, ngồi quay về hướng Nam để nghe lời tâu bày của chúng sinh…mà cứu vớt). Hướng này cũng gắn với ước vọng của tín ngưỡng thời trước, với ý thức đề cao thiện tâm vì đây là hướng của sinh lực vũ trụ, của trí tuệ (có trí tuệ mới diệt trừ được ngu tối mà ngu tối là mầm mống của tội ác). Đặc điểm thứ hai của đình là hệ thống nước liên quan đến kiến trúc. Ở đây, vừa có hồ tự nhiên nằm ngay phía trước, mang tư cách Não thủy. Ngày xưa, bên trái hồ là một ngôi chợ quê (gắn với chùa), hồi đó, chợ chùa được coi như một cặp phạm trù thống nhất, hai thể không gian mang tính đối lập. Nhưng nhờ chùa, một không gian thánh thiện đã làm cân bằng lại những sự tính toán vị kỷ của việc bán buôn (chợ) để con người sống đẹp hơn, nhân ái hơn…Bên phải, trong khuôn viên của đình, chùa, miếu, sát Nghi môn là một giếng tròn lớn (đường kính trên 20m) mang tư cách Minh đường, nơi hội tụ ánh sáng thiêng liêng, nguồn sinh khí của tầng trên chảy xuống trần gian. Vốn xưa đây là giếng làng, một đấu tích chung trong cấu trúc thôn dã cổ truyền của dân tộc ta ở đồng bằng Bắc Bộ. Một điểm tụ thủy từ dòng nước ngọt trời ban. Có lẽ vì thế mà giếng này đã có tích công chúa gửi cá từ Hồ Tây qua cơn mưa trước hội để làm lễ tế Thần.
Chính giữa sân, trên trục Thần đạo là bức bình phong. Truyền rằng, trước đây, bình phong được làm đẹp hơn bây giờ, với mặt trước đắp nổi một Hổ vàng đang bước từ núi đá gập ghềnh xuống, mặt quay ra. Mặt trong đắp Rồng cuốn thủy, điểm xuyết những cụm mây cuộn.
Điều đáng quan tâm của tòa Phương đình này, thực ở ở ý nghĩa triết học gắn với kiến trúc, nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy kiến trúc này gắn với dịch học. Và, như thế, kiến trúc này như một ước vọng cầu sinh sôi phát triển, đã một thời dài tồn tại trong tâm thức người xưa.
Ngay sau tòa Phương đình là tòa Đại đình, gần gũi kiểu kiến trúc “Tứ thủy quy đường”, tường hồi bít đốc. Về cơ bản, kiến trúc này gần như được làm lại hoàn toàn với kết cấu đơn giản, chạm khắc vừa phải…Tuy nhiên, nếu lọc kỹ về cấu trúc, chúng ta vẫn tìm thấy ở đây nhiều dấu tích từ khá sớm, mang giá trị nghệ thuật cao như: 2 dầu dư chạm Rồng theo lối bong kênh – lộng hiện còn gắn ở “bộ vì” phía ngoài của tòa “Ống muống” (bên trên ban thờ Công đồng), chúng thuộc phong cách Mạc, có niên đại khoảng thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Theo người già địa phương, thì chắc chắn chúng là của ngôi đình Lệ Mật cũ (gốc). Như vậy, đình này ít nhất đã có niên đại khởi dựng xấp xỉ 400 năm tuổi, là một trong không nhiều đình làng cổ nhất nước ta. Lùi vào cuối tòa Ống muống, thì dấu tích nghệ thuật với niên đại khoảng giữa và cuối thế kỷ XVII đã còn lại nhiều hơn. Đó là những đầu dư chạm Rồng khá chuẩn mực và sắc nét của đương thời, rồi một số mảng chạm vân xoắn và có thể cả một số chữ Hán nổi….
Ngoài ra, ở đình này còn có một bát hương gốm trắng xám, to vừa phải, được làm theo kiểu cặp ba, có 4 chân dạng con Quỳ (hai bên, trước, sau) với trang trí Rồng, diềm lá sồi cách điệu trong hình thức nổi gồ ghề…Đây là sản phẩm của nghệ thuật vào thế kỷ XVIII và gần như là một hiện vật “độc nhất vô nhị” hiện nay. Tại hậu cung của đình còn có 1 ngai và bài vị, tuy có tu sửa đổi chút vào thế kỷ XIX, nhưng về cơ bản chúng vẫn là một cặp hiện vật rất đẹp và quý của nghệ thuật vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Gần đây, đình được bổ sung một pho tượng Thần to như người bình thường, thực ra thì phần nhiều ở đình làng chỉ có ngai và vị. Đình có tượng chỉ khi ý nghĩa khởi nguyên bị thay đổi, hay nhiều tính chất “đền” thờ Thần đã được thâm nhập mạnh hơn vào đình. Có lẽ, đây là một hiện tượng đã xảy ra với đình Lệ Mật trong thời hiện nay.
Múa giảo long – lễ hội đình Lệ Mật.
Lễ hội Lệ Mật được mở ngày 23/3 âm lịch hàng năm, tưởng nhớ Hoàng Đức Trung, người có công trong việc đưa người nghèo từ làng Lệ Mật tới vùng kinh đô khẩn hoang, lập ra 13 trại ở tây thành Thăng Long (quận Ba Đình ngày nay). Ông đã được dân làng suy tôn là Thành Hoàng cùa làng. Từ sáng sớm ngày 23/3 đại diện con cháu của 13 trại phía Tây thành Thăng Long xưa đội 13 mâm lễ vật mang từ kinh đô về đình làng Lệ Mật để dự hội.
Phần lễ của hội bao gồm: lễ rước nước từ giếng làng, rước cá chép vào đình Thánh, Rước cỗ (lễ vật) của 13 trại ở quận Ba Đình về làng dâng thần. Phần hội đặc sắc nhất là trò múa rắn. Con rắn (được làm bằng nan tre lợp vải) tượng trưng cho loài thuỷ quái đã bị chàng trai họ Hoàng dùng sức mạnh và ý chí của mình hạ gục. Nhạc múa là dàn bát âm và tiếng trống nhịp đôi kết hợp dồn dập, náo nức.
Hội làng Lệ Mật là cơ hội để hàng năm con cháu trong làng (gọi là dân cựu quán) và con cháu đi xa khai hoang bên kinh đô (gọi là dân kinh quán) gặp gỡ nhau ôn lại trang sử dựng làng đầy gian nan thử thách từ xa xưa, cùng chung niềm vui và lòng biết ơn đối với tổ tiên.