Sử gia Phan Huy Chú đã từng viết ‘Xem việc thi cử hay dở thì biết nước thịnh hay suy”. Quan điểm đó đã phản ảnh mối tương quan giữa giáo dục khoa cử với sự hưng thịnh của đất nước. Vậy với sự tồn tại 175, giáo dục khoa cử thời Trần đã để lại dấu ấn gì trong sự hưng thịnh của quốc gia Đại Việt trong gần hai thế kỷ. Cùng tìm hiểu vấn đề này trong cuốn sách Vương triều Trần (1226-1400) do PGS.TS Vũ Văn Quân chủ biên.
Tiếp nối hào quang của vương triều Lý, vương triều Trần được xem là triều đai hào hùng và phát triển rực rỡ bậc nhất của quốc gia Đại Việt. Sự phát triển đó thể hiện trên mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, giáo dục khoa cử. Sự phát triển ổn định về kinh tế, xã hội tạo điều kiện thuận lợi để phát triển về văn hóa giáo dục và khoa cử. Tiếp nối sự phát triển của vương triều Lý, nhà Trần đã đưa nền giáo dục khoa cử đất nước phát triển lên một tầm cao mới.
Để phát triển giáo dục các vị vua nhà Trần chú trọng mở rộng hệ thống trường học từ Trung ương đến địa phương, khởi đầu bằng việc mở rộng Quốc Tử Giám vào năm 1236, tiếp đó năm 1253 vua Trần Thái Tông cho lập Quốc học viện tại kinh thành Thăng Long cho con em quý tộc, quan lại đến học, về sau mở rộng cho nho sĩ đến nghe giảng Tứ thư, Ngũ kinh. Cũng trong năm này vua Trần Thái Tông cho lập Giảng Võ đường để tạo điều kiện cho các quan tập trung đến đây học hỏi binh pháp, rèn võ nghệ. Sự thành lập và đi vào hoạt động của Giảng Võ đường chứng tỏ nhà Trần đã quan tâm đến việc giáo dục toàn diện trên cả hai phương diện văn và võ. Ngoài các trường học ở kinh đô Thăng Long, năm 1281 nhà Trần cũng cho mở các trường công lập ở phủ Thiên Trường – nơi quê hương gốc tích của nhà Trần và là nơi được xem là kinh đô thứ hai của nhà Trần. Đến năm 1397 vua Trần Thuận Tông xuống chiếu cải cách giáo dục ở cách phủ lộ, theo đó ở mỗi phủ lộ đặt một học quan để giáo hóa dân chúng, dạy dân học hành, ban quan điền theo thứ bậc cho các học quan để dùng cho việc dạy học. Như vậy là sau hơn một thế kỷ, nền giáo dục đã được mở rộng xuống địa phương, không giới hạn trong tầng lớp quan lại quý tộc hoàng gia.
Cùng với việc mở rộng giáo dục thì khoa cử cũng được các vua Trần chú ý. Thời Trần có hai loại khoa thi là Thái học sinh và Đại tỷ. Thi Thái học là khoa thi mà các đối tượng là các học sinh ở các nhà Thái học, Quốc học, người thi đỗ được gọi là thái học sinh. Khoa thi Đại tỷ thì đối tượng rộng rãi hơn, bao gồm con các quan được chọn vào các quán, các cục và con cái các thân vương, thân công, hoàng tử, công chúa, người nhà thân thích của vua. Dưới thời Trần giáo dục và thi cử Nho học bắt đầu có một vị thế lớn trong nền giáo dục khoa cử quốc gia. Khoa thi Nho học đầu tiên được tổ chức vào năm 1232 dưới thời vua Trần Thái Tông, đến năm 1247 khoa thi Thái học sinh được tổ chức, lấy đậu Tam giáp. Trong khoa thi này Nguyễn Hiền đỗ Trạng Nguyên khi mới 12 tuổi, Đặng La Ma đỗ Thám hoa khi mới 14 tuổi và Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn khi đó 17 tuổi. Cũng từ đây, nhà nước quy định khoa thi Thái học sinh được tổ chức mỗi năm một lần lấy người có học vị cao nhất. Năm 1255 và 1266 nhằm khuyến khích việc học nhà Trần cho mở khoa thi và đặt lệ lấy 2 trạng nguyên. Năm 1261 vua Trần Thánh Tông cho mở khoa thi Thái y để tuyển chọn người tinh thông y học. Năm 1304 vua Trần Anh Tông cho mở kỳ thi Thái học sinh nhưng theo thể lệ mới là thí sinh phải trải qua bốn trường thi: trường nhất (thi ám tả), trường hai (thi kinh nghĩa, thơ, phú), trường ba (thi chế, biểu), trường tư (thi văn sách). Đến năm 1374 vua Trần Duệ Tông cho mở khoa thi Thái học sinh, người đỗ Thái học sinh thì gọi là Tiến sĩ, tiếp đó tổ chức thi Đình để lấy Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp... Đến năm 1396 vua ban chiếu quy định cách thức thi Hương, thi Hội, ‘cứ năm trước thi Hương thì năm sau thi Hội”, sau đó người nào đỗ sẽ được nhà vua ra một bài văn sách để tiếp tục thi Đình nhằm xác định thứ bậc. Trường thi Hương thường là ở bãi đất rộng có rào chắn để ngăn cách với bên ngoài, thí sinh phải tự lo lều chõng và chỗ viết bài cho mình. Đến thi Hội thi Đình thì triều đình đứng ra tổ chức. Với quy đinh này hệ thống thi cử thời Trần đã bước đầu được xác định rõ ràng bằng ba khoa thi: thi Hương, thi Hội và thi Đình. Chế độ khoa cử này trải từ địa phương (thi Hương) lên đến cấp trung ương (thi Hội, thi Đình), đã góp phần lựa chọn những người đỗ đạt để bổ vào các chức quan quan trọng trong triều đình. Đây thực sự là những nhân tài của đất nước, cũng chính là bộ phận quan trọng của bộ máy hành chính nhà nước, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển vương triều.
Ngoài việc tổ chức các khoa thi tuyển chọn nhân tài cho bộ máy hành chính nhà nước, nhà Trần còn tổ chức nhiều kỳ thi sát hạch các quan lại đứng đầu Thăng Long, hay các kỳ thi sách hạch các tăng đạo Phật giáo, những người không thông hiểu kinh giáo cho hoàn tục...
Có thể nói, nhà Trần đã tiế thu nền giáo dục khoa cử thời Lý nhưng đã chú trọng hoàn thiện phương cách và hệ thống điều lệ khoa cử một cách chặt chẽ và quy củ. Dù lối học thi vẫn không tránh khỏi lối ‘tầm chương trích cú”, song giáo dục khoa cử thời này đã có nhưng bước tiến đáng kể. Một điều dễ nhận thấy là giáo dục khoa cử thời Trần vẫn nhằm mục đích xây dựng và củng cố bộ máy chính quyền trung ương, giáo dục khoa cử của hệ thống quan lại, quý tộc, chưa hướng đến nền giáo dục nhân dân... Dù còn hạn chế, song có thể khẳng định, thành tựu của giáo dục khoa cử thời Trần đã minh chứng cho sự trưởng thành của ý thức dân tộc, đó là thành tựu của triều đại hưng thịnh bậc nhất chế độ phong kiến Việt Nam.
Tuấn Tiến
Xem cha ông ta một thời lều chõng đi thi
Qua hơn 50 bức ảnh tư liệu về khoa cử, về Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long – Hà Nội, Phú Xuân Huế; một số tài liệu tranh khắc; 9 văn bản hành chính Châu bản. Đặc biệt là thác bản 114 văn bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở TP Hà Nội và Huế, 2 thác bản văn bia Tiến sĩ Võ tại Võ Miếu Huế đã khái quát nên truyền thống giáo dục, đào tạo của Việt Nam xưa từ năm 1075 đến 1919 với tên tuổi của gần 3.000 nhà khoa bảng.
Những hình ảnh một thời của cha ông đi thi, những vị tiến sĩ với cân đai áo mũ, dự yến tiệc sau khi thi đỗ, bia đá lưu danh tên vàng... đã cho thấy một thời phong kiến với việc thi cử nghiêm ngặt nhằm tuyển chọn người tài phục vụ đất nước.
Vốn có truyền thống cả ngàn năm, khoa Cử Việt Nam đã phát triển theo chiều thời gian với nhiều giai đoạn. Đánh dấu từ năm 1075 với khoa thi Tam trường để kén Minh kinh bác học. Năm 1232, triều Trần mở khoa thi Thái học sinh lấy đỗ: Đệ nhất giáp, Đệ nhị giáp và Đệ tam giáp. Năm 1247 lại đặt tam khôi cho 3 người đỗ Đệ nhất giáp là: Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa. Năm 1347 mở khoa thi Đình lấy đỗ Tiến sĩ. Năm 1396 đặt lệ thi Hương lần đầu ở các địa phương lấy đỗ Cử nhân và quy định 7 năm một kỳ thi, năm trước thi Hương, năm sau thi Hội ở Kinh đô. Thi Hội cũng bắt đầu có từ đấy.
Dưới triều Hồ theo phép thi của triều Trần và quy định 3 năm mở một khoa thi – giảm thời gian xuống so với lúc trước. Triều Lê khoa cử thịnh đạt. Năm 1434 vua Lê Thái Tông xuống chiếu định lệ thi Hương, thi Hội và quy định 3 năm mở một khoa thi. Triều Mạc, Lê Trung Hưng và triều Nguyễn sau này dều cho phép thi cử của triều Lê. Triều Nguyễn không lấy đỗ Trạng nguyên, nhưng lấy thêm hạng Phó bảng dưới Tiến sĩ.
Về thể thức, thi Hương và thi Hội đều phải qua 4 kỳ, đỗ kỳ trước mới được vào kỳ sau, nhưng nội dung thi Hội ở trình độ cao hơn. Phép thi quy định: kỳ 1 thi Kinh nghĩa; kỳ 2: thi Chế, Chiếu, Biểu; kỳ 3: Thi Thơ, Phú; kỳ 4: Thi Văn sách. Cuối cùng là kỳ thi Đình. Thí sinh làm một bài văn sách do Vua ra đề, hỏi về đạo trị nước và sử dụng hiền tài… Với 183 khoa thi đại khoa đã tuyển chọn được 2.898 nhà khoa bảng: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ, Phó bảng.
Hiện tại Việt Nam còn lại 2 di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội và Huế. Văn Miếu ngoài Hà Nội được gọi tên là Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long. Gồm 2 phần: Văn Miếu Thăng Long được xây dựng năm 1070 là nơi thờ Khổng Tử và các bậc Tiên hiền, Tiên nho; Quốc Tử Giám xây năm 1076 phía sau Văn Miếu là Trường học cao cấp đầu tiên của Việt Nam. Tại nơi đây không chỉ là nơi đã đào tạo ra hàng ngàn nhân tài cho đất nước mà còn là nơi hun đúc và bảo tồn nhiều truyền thống quý báu của dân tộc như: hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, coi trọng nhân tài. Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long vẫn còn lưu giữ 82 tấm bia Tiến sĩ khắc họ tên, quê quán của 1304 vị Tiến sĩ đỗ đạt trong 81 khoa thi triều Lê và 1 khoa thi triều Mạc từ năm 1442 đến năm 1779.
Trích văn bia năm 1683 “Trời sinh Hiền tài là muốn dùng để dùng cho đời, bậc nhân quân trị nước điều cốt yếu cần rộng chọn hiền tài. Bởi vì Hiền tài là khí dụng của quốc gia, khí dụng đủ thì điều khiển giao phó chẳng việc gì không làm nổi, mà cơ đồ không thể không vững chắc, thế đạo không thể không thịnh sáng vậy. Cho nên đời xưa trị nước, không gì gấp bằng cầu cầu tìm hiền tài để tin giao công việc”.
Văn Miếu Quốc Tử Giám ở cố đô Huế gọi là Văn Miếu Quốc Tử Giám Phú Xuân. Khi Phú Xuân – Huế trở thành Kinh đô của Việt Nam, đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn chủ trương xây dựng Văn Miếu năm 1808 bên bờ sông Hương ở phía Tây Kinh thành Huế. Khi còn nguyên vẹn, nơi đây có gần 20 công trình lớn như: Văn Miếu (điện thờ), Đông vu, tây vu, Thần khố, Thần trù, Hữu Văn Đường, Duy Lễ Đường, nhà Thổ Công, Đại Thành Môn, Văn Miếu Môn, quan Đức Môn, Linh Tinh Môn, La thành, bến vua ngự…
Quốc Tử Giám xây dựng chính thức bên cạnh Văn Miếu vào năm 1820 là nơi tập trung các học sinh trong nước về Kinh dùi mài kinh sử. Vào năm 1904, cơn bão Giáp Thìn đã làm cho Quốc Tử Giám bị hư hỏng nặng, sau đó được tu bổ một vài lần. Vào thời Thành Thái năm 1908, Quốc Tử Giám được dời về khu vực phía đông của Kinh thành như hiện nay – hiện là địa điểm của Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh TT-Huế và Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế ở đường 23 tháng 8, đường Lê Trực, TP Huế.
Tại Văn Miếu Huế có 32 tấm bia khắc họ tên, quê quán của 293 vị Tiến sĩ triều Nguyễn, bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đến khoa thi cuối cùng vào năm Khải Định thứ 4 (1919). Ngoài ra, liên quan đến khoa cử ở Phú Xuân Huế còn có 1 di tích độc đáo khác là Võ Miếu tọa lạc cạnh Văn Miếu. Việc thiết lập Võ Miếu của triều Nguyễn ở Huế có ý nghĩa đề cao các vị tướng tài ba, nuôi dưỡng và khích lệ tinh thần thượng võ, phát huy nền võ nghiệp – một trong những truyền thống đáng tự hào của Việt Nam. Ở đây hiện còn 3 tấm bia võ công khắc thời Minh Mạng và 2 bia Tiến sĩ võ thời Tự Đức.
Triển lãm thú vị “Truyền thống khoa cử Việt Nam” trên đang diễn ra tại Trường lang (Đại Nội Huế) nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung định Huế với Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, kéo dài cho đến hết tháng 1/2014.