1. Các nhân vật tiêu biểu dưới thời Trần
TRẦN THỦ ĐỘ (1194- 1264).
Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần (1194) tại làng Lưu Xá (Hưng Hà-Thái Bình). Là một người ít học, nhưng là người mưu lược, quyết đoán và có công đầu trong việc xây dựng cơ nghiệp nhà Trần.
Cuối triều Lý, nền kinh tế đất nước suy thoái, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, giặc dã nổi lên nhiều nơi. Trong khi đó quân Mông – Nguyên hung bạo chuẩn bị đem quân sang xâm chiếm nước ta. Tình hình đất nước trở nên nguy ngập, đất nước không thể tránh khỏi họa diệt vong.
Là một người mưu lược, có tầm nhìn xa trông rộng. Trần Thủ Độ đã ép vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái bảy tuổi là Lý Chiêu Hoàng, sau đó ông đã thu xếp cho Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Sự sắp xếp đó của Trần Thủ Độ là sự sắp xếp khôn ngoan và hợp quy luật hưng vong, làm một cuộc đảo chính cung đình mà không xảy ra đổ máu, còn tạo cho đất nước bước vào thế ổn định, để xây dựng lực lượng, phát triển kinh tế cũng như quân sự để chuẩn bị đương đầu với những khó khăn trong tương lai.
Sau khi lên ngôi, vua Trần Thái Tông đã cho Trần Thủ Độ làm Thái sư nắm giữ mọi binh quyền, chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã thu phục được các thế lực đối địch, tổ chức bộ máy chính quyền từ Trung ương đến xã.
Trong cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ nhất, trước thế giặc mạnh, đã có lúc tướng Trần Nhật Hiệu hoảng sợ lấy ngón tay viết lên mạn thuyền của vua hai chữ “Nhập Tống”. Vua chuyển sang hỏi Trần Thủ Độ. Ông thẳng thắn trả lời “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”, câu nói đó của Trần Thủ Độ giữ vững tinh thần chiến đấu của quân dân Đại Việt. Ông thực sự trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ nhất.
Sử sách thời xưa thường coi Trần Thủ Độ là người độc ác, gian hùng như Tào Tháo, nhưng những công lao của ông để lại cho đất nước, đặc biệt là giữ vững tinh thần chiến đấu cho nhân dân Đại Việt trước giặc Mông – Nguyên lần thứ nhất và xây dựng một triều đại nhà Trần hợp với quy luật hưng vong của triều đại là không thể phủ nhận. Ông mất năm Giáp tý (1264). Nhiều nơi lập đền thờ tưởng nhớ công lao của ông.
HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN (1228-1300).
Trần Quốc Tuấn (1228- 1300) là một anh hùng kiệt xuất của dân tộc, đồng thời là danh nhân quân sự cổ kim của thế giới. Là con của An Sinh Vương Trần Liễu (anh ruột Trần Thái Tông - Trần Cảnh).
Nói đến Trần Quốc Tuấn là nói đến một người chỉ huy có tài thao lược, trí dũng song toàn, luôn đặt lợi ích dân tộc và đất nước trên hết, ông biết dẹp thù nhà để phò vua, xây dựng đất nước. Công lao lớn nhất của ông là ba lần đánh thắng quân Mông – Nguyên hung bạo, trong đó 2 lần ông được cử làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh toàn bộ quân đội Đại Việt.
Năm 1285 quân Mông – Nguyên ào ạt tiến quân vào nước ta. Trước tình hình đó Trần Thái Tông triệu Trần Hưng Đạo đến và nói “Kẻ thù thì rất mạnh, ta e rằng chiến tranh kéo dài sẽ làm đất nước tổn hại. Hay là ta đầu hàng cứu dân”. Trần Hưng Đạo đã trả lời “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã”.
Trong trận này Trần Hưng Đạo đã trực tiếp chỉ huy cuộc tấn công vào đồn trại của giặc trên Sông Hồng, vào kinh thành Thăng Long với những chiến thắng lẫy lừng ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương.
Lần thứ ba vào năm 1288 Trần Hưng Đạo đã chỉ huy quân ta đánh thắng quân Mông – Nguyên và giành thắng lợi vĩ đại ở trận Bạch Đằng (3-1288), đập tan 50 vạn quân xâm lược Mông - Nguyên, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc ta.
Không chỉ là người chỉ huy tài ba trên chiến trường mà Trần Quốc Tuấn còn là một người có tư tưởng quân sự tiến bộ, một người xem rộng biết nhiều, đủ tài văn võ, đã dành tâm huyết và hiểu biết của mình để viết các tác phẩm như: “Binh thư yếu lược”, “Vạn kiếp tông truyền thư”, “Hịch tướng sĩ”.
Năm 1300 Bình Bắc Đại nguyên soái Hưng Đạo Đại Vương qua đời. Nhân dân ta đã lập đền thờ ở nhiều nơi để tưởng nhớ công ơn của ông.
TRẦN QUỐC TOẢN (1267-1285).
Trần Quốc Toản là con của Trung Thành Vương, cháu nội của Nhân Đạo Vương được phong là Hoài Văn Hầu, mới 15 tuổi, vì không được dự hội nghị quân sự Bình Than bàn kế chống giặc Nguyên, tay cầm quả cam mà bóp nát lúc nào không biết.
Trần Quốc Toản đã huy động hàng ngàn gia nô và trai tráng trong vùng mua sắm vũ khí, đóng chiến thuyền để đánh giặc, may lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” (Phá giặc mạnh, báo ơn vua).
Trong cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ hai, khi đối trận với giặc, Trần Quốc Toản tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh. Trần Quốc Toản góp phần vào chiến công to lớn ở Tây Kết và giải phóng kinh thành Thăng Long.
Trong trận đánh rút chạy trên sông Như Nguyệt, Trần Quốc Toản đã hi sinh. Vua Trần Nhân Tông thương tiếc, đã làm bài văn tế và phong tước cho Trần Quốc Toản làm Hoài Văn Vương. Người thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản trở thành biểu tượng sáng ngời của tuổi trẻ yêu nước Việt Nam.
CHU VĂN AN
Sinh năm 1292 tại xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông là nhà giáo, thầy thuốc, đại quan dưới triều Trần. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Chu Văn An "tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, không cầu lợi lộc". Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, "học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa".
Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam viết Chu Văn An là thầy giỏi nhưng nghiêm khắc, trọng tài năng của học trò và ghét những người cậy giàu ham chơi. Học trò của ông có nhiều người giỏi, có công giúp nước như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, hai quan lớn của triều Trần. Sinh thời, ông được dân chúng tôn là "Vạn thế sư biểu", nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam.
TRƯƠNG HÁN SIÊU
Ông (không rõ năm sinh) quê ở huyện Yên Ninh, phủ Trường Yên, nay là TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông là người chính trực, bài xích dị đoan, có tài văn chương và chính sự. Trương Hán Siêu được vua Trần rất mực kính trọng. "Nhà vua chỉ gọi ông là thầy chứ không gọi tên", sách Đại Việt sử ký toàn thư viết.
Ông sáng tác nhiều tác phẩm thi ca, nổi tiếng nhất là bài Bạch Đằng giang phú. Tác phẩm có ý nghĩa tổng kết chiến thắng trên sông Bạch Đằng của vua tôi nhà Trần, là áng văn chan chứa niềm tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống anh hùng bất khuất và đạo lý nhân nghĩa của Việt Nam.
Bạch Đằng giang phú được đánh giá là tiêu biểu của văn học yêu nước thời Lý - Trần, đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học và được xem là áng thiên cổ hùng văn trong lịch sử văn học Việt Nam.
TRẦN NHÂN TÔNG
Đức vua Trần Nhân Tông tên húy là Khâm, sinh ngày 11/11 năm Mậu Ngọ (tức 07/12/1258), là con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng hậu Trần Thị Thiều. Sinh thời, Ngài có tướng mạo rất phi phàm. Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, khi sinh ra, thân Ngài có màu sắc hoàng kim, nước da vàng sáng rất đẹp, nên gọi Ngài là Phật kim. Ngài rất thông minh, hiếu học, đọc hết sách vở, suốt thông nội điển (kinh Phật) và ngoại điển (sách đời).
Vào năm 1274, khi 16 tuổi, Ngài được phong làm Hoàng Thái tử. Mặc dù Ngài từ chối ngôi vị nhưng vua cha không đồng ý. Sau đó, vua cha cưới trưởng nữ của Nguyên Từ Quốc Mẫu cho Ngài (tức là Khâm Từ Hoàng hậu sau này). Tuy Ngài sống trong cảnh gia đình vui hòa, hạnh phúc nhưng tâm Ngài vẫn luôn ưa thích sự tu hành.
Một hôm, vào nửa đêm, Ngài trèo thành trốn đi với ý định vào núi Yên Tử tu hành. Đến chùa Tháp, núi Đông Cứu thì trời vừa sáng. Vì người đã thấm mệt, Ngài bèn vào nằm nghỉ trong tháp. Vị Sư trụ trì ở đây thấy tướng mạo Ngài phi phàm liền làm cơm thiết đãi. Vua cha hay tin, sai các quan đi tìm, bất đắc dĩ Ngài phải quay về cung thành.
Đến năm 21 tuổi (năm 1279), Ngài lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Trần Nhân Tông. Tuy ở địa vị cao sang, Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh và thường đến chùa Tư Phước tu tập. Một hôm nghỉ trưa, Ngài mơ thấy trong rốn mọc lên một hoa sen vàng lớn bằng bánh xe, trên hoa sen có Đức Phật vàng. Có người đứng bên cạnh Ngài nói: “Biết Đức Phật này không? Đó là Đức Biến Chiếu Tôn!”. Tỉnh giấc, Ngài đem việc đó tâu lên vua cha. Vua Thánh Tông khen giấc mơ là việc kỳ lạ và đặc biệt.
Những khi giặc Nguyên sang xâm chiếm Đại Việt , Ngài gác việc tu học Phật Pháp để lo giữ gìn xã tắc. Với tài mưu lược sáng suốt, khả năng đoàn kết toàn dân, Ngài đã hai lần cùng các tướng lĩnh lãnh đạo quân dân đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông (1285, 1287 - 1288), bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự chủ của dân tộc.
Sau 14 năm trị vì đất nước, đến năm Quý Tỵ (1293), Ngài nhường ngôi cho con là Trần Thuyên (tức vua Trần Anh Tông) và lên ngôi Thái thượng hoàng, để chuẩn bị con đường xuất gia tu hành.
Đến tháng 10 năm Kỷ Hợi (1299), Ngài xuất gia tu hành ở núi Yên Tử (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh). Ở đây, Ngài chuyên cần tu tập theo hạnh đầu đà (khổ hạnh), lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu-đà và sáng lập nên dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Sau đó Ngài lập chùa, cất tinh xá, khai giảng để tiếp độ chúng Tăng, vì vậy học chúng đến tu học rất đông.
2. Tình hình văn hóa
a, Tư tưởng tôn giáo
Thời Trần, cả Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo đều được coi trọng. Nho giáo ngày càng được nâng cao vị thế. Nhiều nhà Nho được cử giữ các chức vụ quan trọng trong triều như Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh,..
Phật giáo được cả vua, quý tộc và nhân dân tôn sùng. Đặc biệt thời kì này , Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời do Trần Nhân Tông sáng lập.
b, Giáo dục
Mặc dù Phật giáo được coi là quốc giáo của triều đại nhà Trần, nhưng nền giáo dục Nho học đã bắt đầu lan rộng khắp đất nước. Chương trình giảng dạy chính trong thời gian này là Tứ thư và Ngũ kinh, Bắc sử, lúc đầu chỉ được dạy ở các chùa Phật giáo và dần dần được đưa vào học tại các lớp học riêng do các quan về hưu hoặc Nho sĩ tổ chức.
Người thầy nổi tiếng nhất thời Trần có lẽ là Chu Văn An, làm quan trong triều từ thời Trần Minh Tông đến thời Trần Dụ Tông, đồng thời là Thái sư của Thái tử Trần Vượng. Dưới triều Trần Thánh Tông, hoàng đế cũng cho phép anh trai mình là Trần Ích Tắ , một vị hoàng tử nổi tiếng thông minh và hiểu biết, mở trường học riêng tại cung của hoàng tử. Một số quan lại nổi tiếng của triều đình tương lai như Mạc Đĩnh Chi và Bùi Phóng đã được đào tạo tại trường này.
Trường học chính thức của triều đại nhà Trần, Quốc học viện, được thành lập vào tháng 6 năm 1253 để dạy Tứ thư và Ngũ kinh cho học sinh hoàng gia (thái học sinh). Trường quân sự, Giảng võ đường, tập trung giảng dạy về chiến tranh và diễn tập quân sự, được khai giảng vào tháng 8 cùng năm. Cùng với trường quân sự này, Võ Miếu đầu tiên được xây dựng ở Thăng Long để thờ Khương Tử Nha và các danh tướng khác.
Danh hiệu cao quý nhất của kỳ thi là tam khôi (tam khôi), gồm ba thí sinh đứng nhất, nhì và ba trong kỳ thi với các tên lần lượt là trạng nguyên (狀元, trạng nguyên mẫu mực), bảng nhãn (榜眼, mắt đặt cạnh) và thám hoa (探花, tuyển chọn nhân tài ). Tam khôi đầu tiên của nhà Trần là trạng nguyên Nguyễn Hiền, lúc đó mới 12 tuổi, bảng nhãn Lê Văn Hưu, người sau này trở thành sử quan nhà Trần và thám hoa Đặng Ma La.
Năm 1304, Hoàng đế Trần Anh Tông quyết định chuẩn hóa kỳ thi bằng bốn vòng khác nhau, trong đó các ứng cử viên được loại bỏ từng bước thông qua các bài kiểm tra kinh điển, kinh điển Nho gia, biên soạn văn bản hoàng gia và cuối cùng là biện luận và lập kế hoạch. Quá trình kiểm tra này đã bị Hoàng đế Trần Thuận Tông hủy bỏ vào năm 1396 dưới áp lực của Hồ Quý Ly, người đã thay thế chế độ kiểm tra truyền thống bằng phiên bản mới như một phần của cải cách triệt để hệ thống hành chính và xã hội của ông.
Trong suốt 175 năm tồn tại, nhà Trần đã tổ chức 14 khoa thi hội gồm 10 khoa thi chính và 4 khoa thi phụ. Nhiều người đỗ khoa thi này sau này đã trở thành quan lại nổi tiếng trong triều hay các nho sĩ nổi tiếng như Lê Văn Hưu, tác giả của bộ sử ký Đại Việt sử ký, Mạc Đĩnh Chi, sứ thần nhà Trần đi sứ nhà Nguyên. hay Nguyễn Trung Ngạn , một trong những vị quan quyền lực nhất dưới thời Trần Minh Tông.
c, Khoa học- kĩ thuật
- Sử học: Cơ quan chuyên viết sử ra đời (Quốc sử viện) do Lê Văn Hưu đứng đầu. Năm 1272, biên soạn xong bộ "Đại Việt sử kí" gồm 30 quyển. Đây là bộ chính sử đầu tiên có giá trị của nước ta.
- Quân sự: tác phẩm nổi tiếng Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo đánh dấu bước phát triển về lí luận quân sự của Đại Việt.
- Y học: người thầy thuốc nổi tiếng Tuệ Tĩnh đã nghiên cứu cây thuốc nam, tổng kết việc chữa bệnh bằng thuốc nam trong nhân dân.
d, Văn học, nghệ thuật
- Nền văn học chữ Hán chứa đựng sâu sắc lòng yêu nước, tự hào dân tộc, được phát triển mạnh. Nền văn học chữ Nôm bước đầu phát triển, xuất hiện một số nhà thơ Nôm nổi tiếng như Nguyễn Thuyên, Nguyễn Sĩ cổ, Hồ Quý Ly,... Có nhiều tác gia nổi tiếng với những tác phẩm đặc sắc, tiêu biểu là Trần Quốc Tuấn với Hịch tướng sĩ, Trần Quang Khải với bài thơ Phò giá về kinh, Trương Hán Siêu với Phú sông Bạch Đằng,...
- Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thể hiện rõ nét trong các công trình xây dựng như kinh đô Thăng Long (Hà Nội), thành Tây Đô (Thanh Hóa), tháp Phổ Minh (Nam Định)..
- Nghệ thuật diễn sướng phát triển nhiều loại hình như: chèo, tuồng, múa rối,..